Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài mới nhất
Chào các anh chị Luật sư. Em là T, ở Đắk Lắk, năm 2008 em du học ở Pháp và quen bạn trai (quốc tịch Pháp), cuối năm tụi em chia tay, em về Việt Nam thì phát hiện đã có thai. Tháng 11/2009, em sinh bé trai và nuôi bé đến bây giờ. Gần đây, bạn trai có về Việt Nam tìm mẹ con em, ngỏ ý muốn đem hai mẹ con sang Pháp định cư. Em muốn làm thủ tục nhận cha cho con để tạo điều kiện cho bé sang Pháp sinh sống và học tập nhưng không biết làm thế nào. Các anh chị có thể hướng dẫn giùm em được không? Em xin cám ơn và chúc các anh chị Luật sư ở Nguyên Luật dồi dào sức khỏe, thành công.
Trả lời:
Chào Quý khách hàng! Cảm ơn sự tín nhiệm của Quý khách hàng đối với dịch vụ pháp lý của Nguyên Luật. Nguyên Luật tư vấn như sau:
1. Cơ sở pháp lý
- Luật Hộ tịch năm 2014.
- Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
- Nghị định số 123/2015/NĐ-CP
- Thông tư số 15/2015/TT-BTP
- Nghị quyết 10/2016/NQ-HĐND ngày 14/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành quy định về mức thu các loại phí và lệ phí trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
2. Ý kiến pháp lý
a) Xác định cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài
Căn cứ Điều 128, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về xác định cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài:
“1. Cơ quan đăng ký hộ tịch Việt Nam có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con mà không có tranh chấp giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa công dân Việt Nam với nhau mà ít nhất một bên định cư ở nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau mà ít nhất một bên thường trú tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam giải quyết việc xác định cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 88, Điều 89, Điều 90, khoản 1, khoản 5 Điều 97, khoản 3, khoản 5 Điều 98 và Điều 99 của Luật này; các trường hợp khác có tranh chấp.”
Vì thế, đối tượng được thực hiện thủ tục nhận cha cho con có yếu tố nước ngoài bao gồm:
- Công dân Việt Nam với người nước ngoài.
- Công dân Việt Nam với nhau mà ít nhất một bên định cư ở nước ngoài.
- Người nước ngoài với nhau mà ít nhất một bên thường trú tại Việt Nam.
Vậy, bạn hoàn toàn có quyền đến Cơ quan đăng ký hộ tịch Việt Nam có thẩm quyền để làm thủ tục đăng ký nhận cha cho con.
b) Thẩm quyền giải quyết
Căn cứ Điều 43, Luật Hộ tịch năm 2014 quy định về thẩm quyền đăng ký việc nhận cha, mẹ, con:
“Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài; giữa người nước ngoài với nhau mà một hoặc cả hai bên thường trú tại Việt Nam.”
c) Hồ sơ
Thành phần hồ sơ:
– Tờ khai theo mẫu quy định;
– Giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con gồm:
+ Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
+ Trường hợp không có văn bản quy định trên thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.
– Bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu để chứng minh về nhân thân đối với người nước ngoài.
Đối với công dân Việt Nam cư trú ở trong nước phải xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân. Trong giai đoạn Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa được vận hành thống nhất trên cả nước, người yêu cầu đăng ký hộ tịch phải xuất trình giấy tờ chứng minh nơi cư trú.
(Căn cứ Khoản 1, Điều 44 Luật Hộ tịch năm 2014; Khoản 1, Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP; Điều 11 Thông tư số 15/2015/TT-BTP)
* Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
(Căn cứ Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP)
Lưu ý: Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc xác nhận để sử dụng cho việc đăng ký hộ tịch tại Việt Nam phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; giấy tờ bằng tiếng nước ngoài phải được dịch ra tiếng Việt và công chứng bản dịch hoặc chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật( Căn cứ Điều 10 Luật Hộ tịch năm 2014)
d) Trình tự, thủ tục
– Bước 1: Công dân chuẩn bị hồ sơ theo quy định và nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Văn phòng HĐND và UBND huyện, thị xã, thành phố.
– Bước 2: Cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra hồ sơ. Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì viết Phiếu tiếp nhận và hẹn trả hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn công dân bổ sung hồ sơ theo quy định của pháp luật.
+ Hồ sơ đăng ký nhận cha, mẹ, con sau khi đã được hướng dẫn theo quy định mà không được bổ sung đầy đủ, hoàn thiện thì Cán bộ tiếp nhận từ chối tiếp nhận hồ sơ. Việc từ chối tiếp nhận hồ sơ phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó ghi rõ lý do từ chối, người tiếp nhận ký, ghi rõ họ, chữ đệm, tên.
+ Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, công chức làm công tác hộ tịch xác minh, niêm yết việc nhận cha, mẹ, con tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thời gian 07 ngày liên tục, đồng thời gửi văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người được nhận là cha, mẹ, con niêm yết trong thời gian 07 ngày liên tục tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã.
+ Nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân đồng ý giải quyết thì ký Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con cấp cho người có yêu cầu.
-Bước 3: Công dân nhận kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Văn phòng HĐND và UBND huyện, thị xã, thành phố.
Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt, công chức làm công tác hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con, cùng các bên ký vào Sổ. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố cấp trích lục cho các bên.
(Căn cứ Khoản 1, Điều 3 Nghị định 123/2015/NĐ-CP; Điều 44 Luật Hộ tịch năm 2014)
– Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
(Căn cứ Khoản 2, Điều 44 Luật Hộ tịch)
-Phí, lệ phí: 1.500.000 đồng.
Miễn lệ phí cho người thuộc gia đình có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; người khuyết tật.
(Căn cứ Điểm b, Khoản 1.3, Mục II Nghị quyết 10/2016/NQ-HĐND)
Trên đây là tư vấn của Nguyên Luật về vấn đề: Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài.
LIÊN HỆ NGUYÊN LUẬT
Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất. Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả!
☎ Hotline: 0931.79.92.92 (Luật sư Trung)
? Email: luatsu@nguyenluat.com