Công ty cổ phần có thể huy động vốn bằng những cách nào?
Trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam, công ty cổ phần có thể huy động vốn thông qua nhiều kênh khác nhau, từ việc phát hành cổ phiếu cho đến việc vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Điều này không chỉ giúp công ty mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh mà còn tạo điều kiện để tối ưu hóa cơ cấu tài chính và nâng cao khả năng cạnh tranh. Bài viết này, Nguyên Luật sẽ phân tích các phương thức huy động vốn phổ biến và hiệu quả dưới góc độ pháp lý, đồng thời đề cập đến những quy định cụ thể của pháp luật Việt Nam liên quan đến hoạt động này.
Công ty cổ phần là gì?
Theo quy định tại Điều 111 Luật doanh nghiệp 2020 thì: Công ty cổ phần là công ty mà trong đó:
- Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá các loại cổ phần đã bán
- Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa
- Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp
- Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác (trừ các trường hợp đặc biệt theo quy định của Luật doanh nghiệp)
- Có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.
Huy động vốn là gì?
Huy động vốn là quá trình thu thập tiền, tài sản hoặc nguồn vốn khác để đầu tư hoặc sử dụng cho mục đích kinh doanh. Đây là một khía cạnh quan trọng trong hoạt động kinh doanh và đầu tư. Vốn huy động giúp các doanh nghiệp phát triển, mở rộng hoạt động và đáp ứng các nhu cầu tài chính.
Một số hình thức huy động vốn của công ty cổ phần
- Phát hành thêm cổ phần/cổ phiếu
Theo quy định tại Điều 111 Luật doanh nghiệp 2020 thì công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp được phép phát hành cổ phần. Người sở hữu cổ phần của công ty sẽ trở thành cổ đông của công ty. Một số phương thức phát hành cổ phần hiện nay có thể kể đến như:
- Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu
Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu là trường hợp công ty tăng thêm số lượng cổ phần, loại cổ phần được quyền chào bán và bán toàn bộ số cổ phần đó cho tất cả cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần hiện có của họ tại công ty. Điều này không làm thay đổi số lượng cổ đông của công ty nhưng vẫn tăng vốn điều lệ để thực hiện các hoạt động kinh doanh.
Cơ sở pháp lý: Điều 124 Luật doanh nghiệp
- Chào bán cổ phần riêng lẻ
- Đối với công ty cổ phần chưa đại chúng
Công ty cổ phần thực hiện chào bán cổ phần riêng lẻ không thông qua phương tiện thông tin đại chúng và chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc chỉ chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Khi chào bán cổ phần riêng lẻ thì cổ đông hiện hữu sẽ được ưu tiên mua, trường hợp cổ đông hiện hữu không thực hiện quyền ưu tiên mua hoặc mua không hết số cổ phần được chào bán thì được phép chào bán cho các nhà đầu tư bên ngoài.
- Đối với công ty cổ phần đại chúng
Căn cứ vào Điều 31 Luật chứng khoán 2019 thì Công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc một trong hai trường hợp sau đây:
- Công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ.
- Công ty đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Việc chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty đại chúng được điều chỉnh theo quy định của Luật chứng khoán. Theo Điều 31 Luật chứng khoán 2019 thì công ty đại chúng khi phát hành cổ phiếu riêng lẻ thì phải có quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phát hành và sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán; xác định rõ tiêu chí, số lượng nhà đầu tư. Ngoài ra, Luật cũng giới hạn đối tượng được quyền mua cổ phiếu trong đợt chào bán này chỉ bao gồm nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Và một số điều kiện khác quy định tại Điều luật này.
Việc huy động vốn bằng phương thức chào bán cổ phần/cổ phiếu riêng lẻ sẽ làm tăng vốn điều lệ và thay đổi số lượng cổ đông trong công ty cổ phần, có thể ảnh hưởng đến chiến lược phát triển kinh doanh của doanh nghiệp.
Cơ sở pháp lý: Điều 125 Luật doanh nghiệp
- Chào bán cổ phần ra công chúng
Có 2 trường hợp công ty công ty cổ phần chào bán cổ phiếu ra công chúng là chào bán ra công chúng là: chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng và chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng.
Một số điều kiện để công ty cổ phần có thể thực hiện chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng như:
- Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán.
- Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán; không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 01 năm.
- Có phương án phát hành, phương án sử dụng và trả nợ vốn thu được từ đợt chào bán được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua.
- Có cam kết thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành đối với nhà đầu tư về điều kiện phát hành, thanh toán, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các điều kiện khác.
- Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán.
- Các điều kiện khác theo quy định của pháp luật chứng khoán.
Việc phát hành cổ phiếu ra công chúng sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn rất lớn từ các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Đặc biệt là các công ty đã được niêm yết trên sàn giao dịch.
- Phát hành trái phiếu
Công ty cổ phần có thể huy động vốn bằng hình thức phát hành trái phiếu.
Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành. Khi công ty thực hiện hình thức huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu, việc tăng vốn luôn gắn liền với tăng nợ cho công ty. Với hình thức này, công ty cổ phần có thể huy động được một lượng vốn cần thiết. Trái phiếu là một hình thức vay mà công ty phải trả lãi suất theo thời kỳ nhất định. Trong quá trình phát hành trái phiếu, công ty sẽ xác định kỳ hạn và bán cho công chúng hoặc các nhà đầu tư.
Ngoài các phương thức trên, công ty cổ phần còn có các hình thức huy động vốn khác được ghi nhận trong Điều lệ như vay tài sản, vay tín dụng, chuyển từ các quỹ sở hữu, giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư và chuyển thành cổ phần cho các cổ đông, chuyển trái phiếu thành cổ phiếu theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông và quy định của pháp luật,…
Trên đây là thông tin một số phương thức huy động vốn của công ty cổ phần mà Nguyên Luật cung cấp cho Quý khách hàng. Trường hợp Quý khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào hoặc cần tư vấn chi tiết thủ tục hoặc yêu cầu cung cấp dịch vụ thực hiện toàn bộ thủ tục huy động vốn cho doanh nghiệp, thì có thể liên hệ đến chúng tôi thông qua thông tin bên dưới.
LIÊN HỆ NGUYÊN LUẬT
Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất. Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả!
- Hotline: 0931.79.92.92 (Luật sư Nguyễn Thành Trung)
- Email: luatsu@nguyenluat.com