Quy Định Về Giao Dịch Liên Kết Giữa Các Doanh Nghiệp
Hiện nay, trong thời đại kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp xuất hiện và phát triển cực kỳ mạnh mẽ. Trong quá trình kinh doanh, sản xuất, hợp tác phát triển, các doanh nghiệp đã hình thành nên những mối quan hệ liên kết đặc biệt. Việc thực hiện giao dịch giữa các doanh nghiệp có quan hệ liên kết này thường có sự khác biệt so với những giao dịch của các doanh nghiệp bình thường nên cần có các quy định pháp luật riêng để quản lý việc giao dịch giữa các doanh nghiệp liên kết này.
Khái niệm về giao dịch liên kết
Theo quy định tại khoản 22 Điều 3 Luật Quản lý thuế năm 2019 thì Giao dịch liên kết được định nghĩa là “giao dịch giữa các bên có quan hệ liên kết”.
Theo đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 132/2020/NĐ-CP thì trong giao dịch liên kết giữa các doanh nghiệp thì các bên có quan hệ liên kết (bên liên kết) là các doanh nghiệp có mối quan hệ như sau:
- Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia;
- Các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 1 Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định các giao dịch liên kết được đề cập là:
- Mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng hàng hóa, cung cấp dịch vụ;
- Vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác;
- Mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình và thỏa thuận mua, bán, sử dụng chung nguồn lực như tài sản, vốn, lao động, chia sẻ chi phí giữa các bên có liên kết (trừ các giao dịch kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi điều chỉnh giá của Nhà nước).
Như vậy, giao dịch liên kết giữa các doanh nghiệp là giao dịch liên quan đến trao đổi buôn bán; hoạt động cho vay, dịch vụ tài chính giữa các doanh nghiệp có mối quan hệ đặc biệt trong việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư.
Xác định doanh nghiệp có quan hệ liên kết
Hiện nay, theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 132/2020/NĐ-CP thì có 11 trường hợp mà các doanh nghiệp được xác định là có quan hệ liên kết, bao gồm:
- Nắm giữ trực tiếp/gián tiếp ít nhất 25% vốn góp chủ sở hữu của một doanh nghiệp;
- Các doanh nghiệp đều có ít nhất 25% vốn góp chủ sở hữu do một bên khác nắm giữ trực tiếp/gián tiếp;
- Là cổ đông lớn nhất về vốn góp chủ sở hữu và nắm giữ trực tiếp/gián tiếp ít nhất 10% tổng số cổ phần của một doanh nghiệp;
- Bảo lãnh hoặc cho vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào với khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp chủ sở hữu và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay;
- Chỉ định thành viên ban lãnh đạo của một doanh nghiệp khác (số thành viên được chỉ định lớn hơn 50% tổng số thành viên ban lãnh đạo của doanh nghiệp khác); hoặc một thành viên được chỉ định có quyền quyết định các chính sách tài chính, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác;
- Hai doanh nghiệp cùng có trên 50% thành viên ban lãnh đạo hoặc cùng có một thành viên ban lãnh đạo có quyền quyết định các chính sách tài chính, hoạt động kinh doanh được chỉ định bởi một bên khác;
- Hai doanh nghiệp được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân trong các mối quan hệ gia đình;
- Hai cơ sở kinh doanh có mối quan hệ trụ sở chính và cơ sở thường trú hoặc cùng là cơ sở thường trú của tổ chức, cá nhân nước ngoài;
- Các doanh nghiệp chịu sự kiểm soát của một cá nhân thông qua vốn góp của cá nhân này vào doanh nghiệp đó hoặc trực tiếp tham gia điều hành doanh nghiệp;
- Các trường hợp khác trong đó doanh nghiệp chịu sự điều hành, kiểm soát, quyết định trên thực tế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp kia;
- Doanh nghiệp có giao dịch chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng ít nhất 25% vốn góp chủ sở hữu của doanh nghiệp; vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp chủ sở hữu trong kỳ tính thuế với cá nhân điều hành, kiểm soát doanh nghiệp hoặc cá nhân thuộc trong một các mối quan hệ theo điểm (7).

Khai thuế, tính thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết
Theo quy định tại khoản 5 Điều 42 Luật Quản lý thuế 2019 thì đối với giao dịch liên kết giữa các doanh nghiệp thì việc kê khai, xác định giá tính thuế phải tuân theo nguyên tắc sau:
- Phân tích, so sánh với các giao dịch độc lập và nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế để xác định thuế phải nộp như trong điều kiện giao dịch giữa các bên độc lập;
- Giá giao dịch liên kết được điều chỉnh theo giao dịch độc lập để kê khai, xác định số tiền thuế phải nộp theo nguyên tắc không làm giảm thu nhập chịu thuế;
- Doanh nghiệp quy mô nhỏ, rủi ro về thuế thấp được miễn thực hiện quy định nêu trên và được áp dụng cơ chế đơn giản hóa trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết.
Điều 16 Nghị định 132/2020/NĐ-CP có quy định chi tiết về việc xác định các loại chi phí như chi phí dịch vụ giữa các bên liên kết, chi phí lãi vay và các loại chi phí không được trừ khi tính thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Quyền và nghĩa vụ kê khai và xác định giá giao dịch liên kết của doanh nghiệp
Theo quy định tại Điều 18 Nghị định 132/2020/NĐ-CP thì doanh nghiệp có các quyền được quy định ở Luật Quản lý thuế 2019 (Điều 16). Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có các nghĩa vụ như sau:
- Kê khai, xác định giá giao dịch, không làm giảm nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp ở Việt Nam theo quy định của pháp luật.
- Chứng minh phương thức xác định giá giao dịch liên kết theo quy định khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
- Kê khai thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết theo Phụ lục I, II, III của Nghị định và nộp cùng Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Lưu giữ và cung cấp Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết.
- Doanh nghiệp có nghĩa vụ liên quan đến Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia
- Cung cấp đầy đủ, chính xác và chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết khi có yêu cầu của Cơ quan thuế trong quá trình tham vấn trước khi thanh tra, kiểm tra. Thời hạn cung cấp Hồ sơ không quá 30 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản yêu cầu (gia hạn 01 lần không quá 15 ngày làm việc nếu có lý do chính đáng)

Kê khai, lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết
Đối với doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết, khoản 3 Điều 18 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP có quy định doanh nghiệp có trách nhiệm “kê khai thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết theo Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này và nộp cùng Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.”
Căn cứ theo khoản 4 Điều này, Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết sẽ bao gồm:
- Thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết (Phụ lục I: Thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết)
- Hồ sơ quốc gia (Phụ lục II: Danh mục thông tin, tài liệu cần cung cấp tại hồ sơ quốc gia)
- Hồ sơ toàn cầu đối với công ty đa quốc gia (Phụ lục III: Danh mục các thông tin, tài liệu cần cung cấp tại hồ sơ toàn cầu)
- Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của Công ty mẹ tối cao đối với công ty đa quốc gia (Phụ lục IV: Kê khai thông tin báo cáo lợi nhuận liên quốc gia)
Tuy nhiên, Điều 19 Nghị định 132/2020/NĐ-CP có quy định một số trường hợp doanh nghiệp được miễn kê khai, miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết
- Miễn kê khai tại tại mục III, mục IV của Phụ lục I và miễn lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết khi chỉ phát sinh giao dịch liên kết với bên đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam, áp dụng cùng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và không bên nào được hưởng ưu đãi thuế TNDN trong kỳ tính thuế.
- Miễn lập hồ sơ nhưng phải kê khai giá giao dịch liên kết theo Phụ lục I khi tổng doanh thu dưới 50 tỷ đồng và tổng giá trị giao dịch liên kết dưới 30 tỷ đồng; ký Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế thực hiện nộp Báo cáo thường niên theo quy định; hay doanh nghiệp với chức năng đơn giản, doanh thu dưới 200 tỷ đồng hoặc không phát sinh doanh thu, chi phí từ hoạt động khai thác, sử dụng tài sản vô hình, áp dụng theo tỷ suất lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí lãi vay và thuế thu nhập doanh nghiệp thuộc ngành nghề phân phối (từ 5% trở lên), sản xuất (từ 10% trở lên), gia công (từ 15% trở lên).
Trên đây là các quy định về giao dịch liên kết giữa các doanh nghiệp mà Nguyên Luật đã thông tin đến các bạn. Nếu các bạn có bất cứ thắc mắc nào khác liên quan đến thủ tục trên hoặc có nhu cầu tư vấn thực hiện thủ tục vui lòng liên hệ đến Nguyên Luật thông qua các thông tin bên dưới.
LIÊN HỆ NGUYÊN LUẬT
Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất. Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả!
- Hotline: 0931.79.92.92 (Luật sư Nguyễn Thành Trung)
- Email: luatsu@nguyenluat.com