Bình luận Án lệ 05/2016/AL về Tranh chấp di sản thừa kế
Trong thực tế không hiếm trường hợp cháu của người quá cố quản lý di sản và phát sinh tranh chấp với những người thừa kế được hưởng di sản. Khi đó, người quản lý di sản từ chối việc trao di sản để phân chia thừa kế.
Đây là loại tranh chấp khá phức tạp, liên quan đến nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong nhiều thời kỳ khác nhau. Án lệ số 05/2016/AL về Vụ án Tranh chấp di sản thừa kế ra đời, đưa ra hướng giải quyết thích hợp cho những vụ việc như trên.
Xem thêm: Án lệ 04/2016/AL về Vụ án Tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Khái quát chung về Án lệ 05/2016/AL về Vụ án Tranh chấp di sản thừa kế
Vấn đề pháp lý trong Án lệ 05/2016/AL
Theo Điều 5.1 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (tương tự như Điều 5.1 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015), Toà án chỉ giải quyết vụ việc dân sự trong phạm vi khởi kiện, yêu cầu của đương sự. Tuy nhiên, trong vụ án tranh chấp di sản thừa kế, nếu có đương sự không đồng ý việc chia thừa kế (vì cho rằng đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế) và do đó không có yêu cầu xem xét công sức đóng góp của họ vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế. Sau đó, Tòa án quyết định rằng vẫn còn thời hiệu để chia thừa kế.
Trong trường hợp này, Tòa án có xem xét công sức đóng góp của đương sự trên vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế (mặc dù đương sự không yêu cầu) hay không? Án lệ 05/2016/AL được ban hành để giải quyết vấn đề này.
Tóm tắt nội dung Án lệ
Trong vụ án tranh chấp di sản thừa kế, nếu có đương sự:
- Thuộc diện được hưởng một phần di sản thừa kế;
- Có công sức đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế;
- Không đồng ý với việc chia thừa kế (vì cho rằng đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế); và
- Không có yêu cầu cụ thể về việc xem xét công sức đóng góp của họ vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế.
Trường hợp này, nếu Tòa án quyết định chia thừa kế cho các đồng thừa kế thì phải xem xét công sức đóng góp của đương sự trên vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế, dù người này không có yêu cầu cụ thể về việc xem xét công sức đóng góp của họ.
Tóm tắt nội dung vụ án
Quy định của pháp luật liên quan đến Án lệ 05/2016/AL
Khoản 1 Điều 5 và Điều 218 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004.
Hướng giải quyết của Án lệ 05/2016/AL
Án lệ 05/2016/AL liên quan đến Tranh chấp di sản thừa kếđưa ra hai hướng giải quyết cho vấn đề về thừa kế và tố tụng dân sự. Ở đây, chúng tôi chú trọng bàn đến khía cạnh thừa kế, khi nội dung án lệ ghi nhận rõ ràng về thừa kế chuyển tiếp, tức từ người để lại di sản sang con và từ con sang cháu mà không cần thủ tục kê khai di sản, mặc dù di sản là nhà đất. Cụ thể, nếu đương sự trong vụ tranh chấp di sản thừa kế:
- Thuộc diện được hưởng một phần di sản thừa kế;
- Có công sức đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế;
- Không đồng ý việc chia thừa kế (vì cho rằng đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế); và
- Không có yêu cầu cụ thể về việc xem xét công sức đóng góp của họ vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế.
Trường hợp Tòa án quyết định chia thừa kế cho các đồng thừa kế thì phải xem xét công sức đóng góp của đương sự trên, dù người này không đồng ý việc chia thừa kế (vì cho rằng đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế) và không có yêu cầu cụ thể về việc xem xét công sức đóng góp của họ.
Bình luận Án lệ 05/2016/AL về Vụ án Tranh chấp di sản thừa kế
Hướng giải quyết trong Án lệ 05/2016/AL có những điểm thuyết phục sau đây:
Những điểm thuyết phục trong Án lệ 05/2016/AL
Thứ nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có đóng góp công sức vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế.
Nếu đương sự không đồng ý việc chia thừa kế (vì cho rằng đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế) và do đó không có yêu cầu cụ thể về việc xem xét công sức đóng góp của họ; sau đó, Tòa án quyết định rằng thời hiệu chia thừa kế vẫn còn. Trong trường hợp này, nếu Tòa án không xem xét công sức đóng góp của đương sự trên chỉ vì đương sự không có yêu cầu xem xét công sức của mình là không công bằng.
Bởi, mục đích cuối cùng của đương sự trên là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình đối với di sản (đương sự thuộc diện được hưởng một phần di sản thừa kế và có công sức đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế); do đó, đương sự mới không đồng ý việc chia thừa kế. Chính vì vậy, Tòa án cần linh hoạt trong việc xác định yêu cầu của đương sự, và phải xem xét công sức đóng góp của họ vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế cho dù đương sự không yêu cầu trực tiếp.
Thứ hai, giúp ổn định các quan hệ xã hội.
Việc một đồng thừa kế có đóng góp công sức vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế mà không được chia một phần di sản thừa kế sẽ gây ra sự bất công đối với đồng thừa kế này, và do đó gây mất ổn định xã hội. Chính vì vậy, hướng giải quyết linh hoạt của Án lệ 05/2016/AL đã góp phần làm ổn định các quan hệ xã hội bằng cách hạn chế sự bất công trong việc chia di sản thừa kế.
Tuy vậy, Án lệ 05/2016/AL dù ghi nhận công sức của người quản lý di sản, vấn đề đặt ra là cách thức tính toán công sức của họ ra sao, Án lệ vẫn còn bỏ ngỏ. Do đó cần phải tùy thuộc hoàn cảnh cụ thể để xem xét công sức của những người này và quy đổi thành tiền là bao nhiêu. Hơn nữa, Án lệ cũng chưa dự liệu tình huống người quản lý di sản trong quá trình đó khai thác di sản để thu lại hoa lợi, lợi tức thì hoa lợi, lợi tức được giải quyết bằng phương thức nào? Việc xét xử của các Tòa án trên thực tiễn sẽ vẫn khó thống nhất.
*Hiện tại, trên thực tế chỉ có Bản án 10/2020/DS-PT ngày 25/06/2020 của TAND tỉnh Quảng Trị về tranh chấp yêu cầu chia di sản thừa kế là có đề cập đến Án lệ 05/2016/AL. Tuy nhiên, những tình tiết trong vụ án này không thể hiện được những nội dung chính của Án lệ 05/2016/AL như ở trên. Do đó, CNC Counsel sẽ không trình bày thông tin về Bản án này, dù có viện dẫn Án lệ.
Bài học rút ra từ Án lệ 05/2016/AL về Vụ án Tranh chấp di sản thừa kế
Từ những nội dung của Án lệ 05/2016/AL, có thể rút ra bài học sau đây cho đương sự trong các vụ án tranh chấp di sản thừa kế:
Nếu đương sự không đồng ý việc chia thừa kế (vì cho rằng đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế), đương sự cần phải nêu rõ thêm rằng trong trường hợp thời hiệu chia di sản vẫn còn, đương sự yêu cầu Tòa án xem xét công sức đóng góp của đương sự vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế. Điều này sẽ giúp hạn chế tối đa rủi ro công sức đóng góp của đương sự vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế không được Tòa án xem xét bởi vì đương sự không yêu cầu xem xét.
Kết luận
Bằng cách tiếp cận kịp thời và hợp lí, Án lệ 05/2016/AL đã giải quyết được một vấn đề phức tạp về phạm vi giải quyết tranh chấp của tòa án trong tố tụng dân sự.
Những ý kiến phản biện, đóng góp của độc giả, nhà nghiên cứu và những người hành nghề sẽ giúp phát triển thêm án lệ đối với loại án tranh chấp nêu trên nhưng mang tính khái quát cao và điển hình hơn Án lệ số 05/2016/AL để có hướng giải quyết toàn diện và đảm bảo tính thống nhất trong cách áp dụng.
cre: cnccounsel