0931 79 92 92

Bình luận Án lệ 06/2016/AL về Vụ án Tranh chấp Thừa kế

Bình luận Án lệ 06/2016/AL về Vụ án Tranh chấp Thừa kế

Trong các vụ tranh chấp thừa kế thường có đương sự tham gia với tư cách nguyên đơn, bị đơn, tuy nhiên phần lớn người tham gia vẫn là những người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Một số trường hợp sẽ không xác định được địa chỉ của người có quyền và nghĩa vụ liên quan thuộc diện thừa kế. Vậy hướng xử lý ra sao?

Án lệ 06/2016/AL xoay quanh một tranh chấp thừa kế – loại tranh chấp khá phức tạp, liên quan đến nhiều ngành luật và chịu sự điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trong nhiều thời kỳ khác nhau.

Xem thêm: Án lệ 02/2016/AL về tranh chấp đòi lại tài sản

Khái quát chung về Án lệ 06/2016/AL về Vụ án Tranh chấp Thừa kế

Vấn đề pháp lý trong Án lệ 06/2016/AL

Theo Điều 168.1.đ của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 (tương ứng với Điều 192.1.b Bộ luật Tố tụng dân sự 2015), Toà án trả lại đơn khởi kiện nếu “chưa có đủ điều kiện khởi kiện”. Điều 8.2 Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP giải thích thêm trường hợp này như sau: “Có đủ điều kiện khởi kiện là trường hợp các đương sự có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định về các điều kiện để khởi kiện (kể cả quy định về hình thức, nội dung đơn kiện), nhưng đương sự đã khởi kiện khi còn thiếu một trong các điều kiện đó.”

Ví dụ: “Trong đơn khởi kiện, nguyên đơn không ghi đúng địa chỉ của bị đơn…” theo Điều 164.2 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, đơn khởi kiện phải có “tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu có”. Có hai vấn đề cần phải đặt ra, đó là:

  • Nếu người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ở nước ngoài, người khởi kiện có cần ghi chính xác địa chỉ của những người này hay không?
  • Trong một vụ án về thừa kế, nếu tòa án đã thực hiện ủy thác tư pháp, thu thập chứng cứ theo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn không xác định được địa chỉ của những đồng thừa kế ở nước ngoài, tòa án sẽ giải quyết như thế nào?

Án lệ 06/2016/AL được ban hành để giải quyết hai vấn đề trên.

Tóm tắt nội dung Án lệ 06/2016/AL

Trong vụ án tranh chấp thừa kế có người thuộc diện thừa kế ở nước ngoài, nếu Tòa án đã thực hiện ủy thác tư pháp, thu thập chứng cứ theo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn không xác định được địa chỉ của những người đó thì Tòa án vẫn giải quyết yêu cầu của nguyên đơn. Phần tài sản thừa kế của những người vắng mặt, không xác định được địa chỉ sẽ tạm giao cho những người sống trong nước quản lý để sau này giao lại cho những thừa kế vắng mặt.

Tóm tắt nội dung vụ án 

Quy định của pháp luật liên quan đến Án lệ 06/2016/AL

Điều 93 và Điều 168.1.đ của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004; Điều 676 và 685 của Bộ luật dân sự năm 2005.

Hướng giải quyết của Án lệ 06/2016/AL

Về cơ bản, theo Án lệ 06/2016/AL về Vụ án Tranh chấp Thừa kế thì Tòa án vẫn tiếp tục giải quyết tranh chấp về chia di sản khi không xác định được địa chỉ của người thừa kế ở nước ngoài, xử lý phần di sản người này được hưởng và xử lý vấn đề về người có nghĩa vụ cung cấp tên tuổi của đương sự. Cụ thể:

  • Trong đơn khởi kiện, người khởi kiện không cần cung cấp chính xác tên, địa chỉ của các đồng thừa kế đang ở nước ngoài. Tòa án phải thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp theo quy định để thu thập chứng cứ.
  • Nếu không thu thập được chứng cứ gì thì Tòa án vẫn phải giải quyết yêu cầu của nguyên đơn. Phần tài sản thừa kế của những đồng thừa kế ở nước ngoài không xác định được địa chỉ sẽ được tạm giao cho những đồng thừa kế sống trong nước quản lý để sau này giao lại cho những đồng thừa kế ở nước ngoài.

Thực tiễn áp dụng Án lệ 06/2016/AL về Vụ án Tranh chấp Thừa kế

Bình luận về Án lệ 06/2016/AL

Nhìn một cách tổng thế, hướng giải quyết trong Án lệ 06/2016/AL về Vụ án Tranh chấp Thừa kế có những điểm thuyết phục sau đây:

Những điểm thuyết phục trong Án lệ 06/2016/AL

Thứ nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện.

Trong vụ án tranh chấp về thừa kế mà có những đồng thừa kế ở nước ngoài, có trường hợp những đồng thừa kế ở trong nước không thể xác định được địa chỉ chính xác của những người ở nước ngoài (do khoảng cách địa lý, việc không liên lạc trong thời gian dài, v.v.). Với thời gian và nguồn lực có hạn của những đồng thừa kế ở trong nước, rất khó để xác định địa chỉ chính xác của những người ở nước ngoài. Do đó, việc xác định địa chỉ của những đồng thừa kế ở nước ngoài phải là nghĩa vụ của Tòa án. Tòa án có thể thực hiện một số biện pháp nhất định, ví dụ như ủy thác tư pháp ra nước ngoài, để xác định các thông tin trên. Việc này sẽ giúp đảm bảo quyền được khởi kiện của những đồng thừa kế ở trong nước.

Thứ hai, đảm bảo việc giải quyết các tranh chấp về thừa kế được nhanh chóng.

Nếu Tòa án dựa vào lý do không thu thập được chứng cứ liên quan đến những đồng thừa kế ở nước ngoài để đình chỉ giải quyết vụ án, việc giải quyết tranh chấp sẽ kéo dài, không có điểm dừng. Do đó, phương án được Án lệ 06/2016/AL đưa ra là hợp lý: Phần tài sản thừa kế của những đồng thừa kế ở nước ngoài không xác định được địa chỉ sẽ được tạm giao cho những đồng thừa kế sống trong nước quản lý để sau này giao lại cho những đồng thừa kế ở nước ngoài. Việc này sẽ giúp đảm bảo việc giải quyết các tranh chấp về thừa kế được nhanh chóng.

Xác định hoàn cảnh tương tự áp dụng Án lệ 06/2016/AL

Nội dung Án lệ chỉ đề cập đến việc “không xác định được địa chỉ” mà không nêu rõ nguyên nhân. Đây được xem là một khái niệm rất rộng, cho phép vận dụng vào các hoàn cảnh tương tự. Bởi lẽ, nguyên nhân không xác định được địa chỉ sẽ rất đa dạng. Có thể nguyên nhân là do người có nghĩa vụ cung cấp địa chỉ dù đã cung cấp địa chỉ nhưng cung cấp không chính xác, dẫn đến không xác định được; hoặc do người có nghĩa vụ đã cung cấp địa chỉ nhưng người liên quan thay đổi địa chỉ mà không để lại thông tin… Trong Án lệ, người không xác định được địa chỉ được đánh giá là đang ở nước ngoài/có khả năng ở nước ngoài, còn trên thực tế, nhiều trường hợp người không xác định được địa chỉ có thể ở ngay tại Việt Nam. Các hoàn cảnh trên đều áp dụng được tương tự pháp luật.

Bên cạnh đó, Án lệ chỉ nêu giao phần của người vắng cho “những người đang sống trong nước quản lý” và không cho biết giao cho chủ thể cụ thể nào. Nghị quyết số 04/2017 của Hội đồng thẩm phán theo hướng tạm giao cho người thân thích của người đó hoặc người thừa kế khác quản lý[1]. Tuy nhiên, có thể xảy ra trường hợp không xác định được “người thân thích” của người không xác định địa chỉ và không người thừa kế nào muốn quản lý di sản. Trường hợp này cũng nên vận dụng các quy định trong Bộ luật Dân sự về xác định “người quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú”[2]. Về phần của người không xác định được địa chỉ, án lệ theo hướng đó là “phần thừa kế” hay “phần tài sản thừa kế” nhưng không cho biết đây là phần thừa kế bằng hiện vật hay bằng giá trị. Tùy vào hoàn cảnh cụ thể, đó có thể là phần di sản được hưởng bằng hiện vật hay bằng giá trị với lưu ý là về nguyên tắc người thừa kế được hưởng di sản bằng hiện vật.

Ngoài ra, về quyền và nghĩa vụ của người được giao quản lý phần của người không xác định được địa chỉ, nhất là chi phí và công sức quản lý, Án lệ cũng còn bỏ ngỏ. Thực chất, đó là quản lý tài sản riêng của người được chia di sản. Do đó chúng ta nên áp dụng tương tự các quy định trong Bộ luật Dân sự về “người quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú” và, đối với công sức quản lý, nên áp dụng hướng tương tự như trong Án lệ số 05/2016/AL[3].

Bài học rút ra từ Án lệ 06/2016/AL về Vụ án Tranh chấp Thừa kế

Từ những nội dung của Án lệ 06/2016/AL, có thể rút ra bài học sau đây cho nguyên đơn trong các vụ án tranh chấp thừa kế:

  • Nếu có các đồng thừa kế đang ở nước ngoài, trong đơn khởi kiện, nguyên đơn không cần cung cấp chính xác tên, địa chỉ của các đồng thừa kế này. Nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án có thẩm quyền thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp để thu thập chứng cứ về các thông tin trên.
  • Sau khi thực hiện ủy thác tư pháp, nếu Tòa án không thu thập được chứng cứ gì thì Tòa án vẫn phải giải quyết yêu cầu của nguyên đơn. Phần tài sản thừa kế của những đồng thừa kế ở nước ngoài không xác định được địa chỉ sẽ được tạm giao cho những đồng thừa kế ở trong nước quản lý để sau này giao lại cho những đồng thừa kế ở nước ngoài.

Kết luận

Bằng cách tiếp cận kịp thời và hợp lý, Án lệ 06/2016/AL về Vụ án Tranh chấp Thừa kế đã giải quyết được một vấn đề phức tạp liên quan đến việc giải quyết các tranh chấp thừa kế.

Những ý kiến phản biện, đóng góp của độc giả, nhà nghiên cứu và những người hành nghề sẽ giúp phát triển thêm án lệ đối với loại án tranh chấp nêu trên nhưng mang tính khái quát cao và điển hình hơn Án lệ số 06/2016/AL để có hướng giải quyết toàn diện và đảm bảo tính thống nhất trong cách áp dụng.

cre: cnccounsel


.
.
.
.
# # #