0931 79 92 92

Bình luận Án Lệ 24/2018/AL Về di sản thừa kế chuyển thành tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của cá nhân

Bình luận Án Lệ 24/2018/AL Về di sản thừa kế chuyển thành tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của cá nhân

“Quan điểm trong nghiên cứu này là của các tác giả và không đại diện cho Tòa án nhân dân tối cao, Liên minh Châu Âu và Chương trình Phát Triển Liên Hợp Quốc.”

(Trích) ÁN LỆ SỐ 24/2018/AL

Về di sản thừa kế chuyển thành tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của cá nhân

Được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17 tháng 10 năm 2018 và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06 tháng 11 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 27/2015/DS-GĐT ngày 16-10-2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án dân sự “Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất” tại thành phố Hà Nội giữa nguyên đơn là bà Phạm Thị H, bà Phạm Thị H1, bà Phạm Thị H2 với bị đơn là ông Phạm Văn H3; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm 12 người.

Vị trí nội dung án lệ: Đoạn 4 phần “Nhận định của Tòa án”.

Khái quát nội dung án lệ:

  • Tình huống án lệ: Nhà, đất là tài sản chung của vợ chồng mà một người chết trước. Người còn lại và các thừa kế của người chết trước đã thống nhất phân chia nhà, đất. Thỏa thuận phân chia không vi phạm quyền lợi của bất cứ thừa kế nào. Việc phân chia nhà, đất đã được thực hiện trên thực tế và đã được điều chỉnh trên sổ sách giấy tờ về đất đai. Sau khi người còn lại chết mới phát sinh tranh chấp.
  • Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, phải xác định nhà, đất đó đã chuyển thành quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của các cá nhân. Những người này chỉ có quyền khởi kiện đòi lại nhà, đất được chia đang bị người khác chiếm hữu, sử dụng bất hợp pháp mà không có quyền yêu cầu chia di sản thừa kế là nhà, đất.

Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ: Các điều 219, 223, 226 Bộ luật Dân sự năm 2005 (tương ứng với các điều 213, 218, 220 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Từ khóa của án lệ: “Di sản thừa kế”; “Tài sản chung của vợ chồng”; “Phân chia nhà đất trên thực tế”.

Nội dung án lệ:

“[4]…nhà đất của cụ V, cụ H đã được cụ V và các thừa kế của cụ H thống nhất phân chia tài sản chung xong từ năm 1991 và đủ cơ sở xác định phần đất 110m2 trong đó phần bà H, bà H1 và bà H2 là 44,4m2. Việc phân chia đã được thực hiện trên thực tế và đã được điều chỉnh trên sổ sách giấy tờ về đất đai; thỏa thuận phân chia không vi phạm quyền lợi của bất cứ thừa kế nào, không ai tranh chấp nên có cơ sở xác định nhà, đất không còn là di sản thừa kế của cụ V, cụ H nữa mà đã chuyển thành quyền sử dụng đất hợp pháp của các cá nhân. Vì vậy, bà H, bà H1, bà H2 chỉ có quyền khởi kiện đòi lại 44,4m2 đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp do được chia từ năm 1991; tài sản là di sản thừa kế của cha mẹ không còn nên không có cơ sở chấp nhận yêu cầu chia di sản của cụ H, cụ V nữa.”

BÌNH LUẬN

I. Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ

Bộ luật Dân sự năm 2005:

“Điều 219. Sở hữu chung của vợ chồng:

  1. Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất.
  2. Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung bằng công sức của mỗi người; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
  3. Vợ chồng cùng bàn bạc, thoả thuận hoặc ủy quyền cho nhau chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
  4. Tài sản chung của vợ chồng có thể phân chia theo thoả thuận hoặc theo quyết định của Toà án.”

“Điều 223. Định đoạt tài sản chung:

  1. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
  2. Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thoả thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật.
  3. Trong trường hợp một chủ sở hữu chung bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua. Trong thời hạn ba tháng đối với tài sản chung là bất động sản, một tháng đối với tài sản chung là động sản, kể từ ngày các chủ sở hữu chung khác nhận được thông báo về việc bán và các điều kiện bán mà không có chủ sở hữu chung nào mua thì chủ sở hữu đó được quyền bán cho người khác. Trong trường hợp bán phần quyền sở hữu mà có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua thì trong thời hạn ba tháng, kể từ ngày phát hiện có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua, chủ sở hữu chung theo phần trong số các chủ sở hữu chung có quyền yêu cầu Toà án chuyển sang cho mình quyền và nghĩa vụ của người mua; bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại.
  4. Trong trường hợp một trong các chủ sở hữu chung từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc Nhà nước, trừ trường hợp sở hữu chung của cộng đồng thì thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu chung còn lại.”

“Điều 226. Chấm dứt sở hữu chung:

Sở hữu chung chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

  1. Tài sản chung đã được chia;
  2. Một trong số các chủ sở hữu chung được hưởng toàn bộ tài sản chung;
  3. Tài sản chung không còn;
  4. Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.”

II. Sự cần thiết phải công bố án lệ:

Thực tế có nhiều trường hợp nhà, đất do vợ chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân, là tài sản chung của vợ chồng mà một người chết trước không để lại di chúc định đoạt phần tài sản của mình trong khối tài sản chung. Theo quy định của pháp luật, phần tài sản của người vợ hoặc chồng đã chết trong khối tài sản chung của vợ chồng trở thành di sản5 và được giải quyết chia thừa kế cho các thừa kế của người đó. Trường hợp người chết không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì chia thừa kế theo pháp luật6.

Tuy nhiên, trong thực tiễn đời sống xã hội ở Việt Nam, nơi có truyền thống văn hóa “Trọng đạo”, “Trọng hiếu”,“Trọng tình”, nhiều trường hợp sau khi người vợ hoặc chồng chết, các thừa kế của người đó (chồng/vợ, con của người đó) không đặt ra yêu cầu chia thừa kế ngay đối với tài sản do người chết để lại; người chồng hoặc vợ còn sống tiếp tục quản lý, sử dụng tài sản, sau đó đứng ra phân chia toàn bộ nhà, đất là tài sản chung của vợ chồng cho các con, với sự đồng ý của những người này. Việc phân chia nhà, đất được thực hiện trên thực tế, được điều chỉnh trên sổ sách giấy tờ về đất đai; người được phân chia nhận nhà, đất và quản lý, sử dụng, cho thuê, cho mượn hoặc chuyển nhượng cho người khác. Có trường hợp sau khi được phân chia đất, người được phân chia do không có điều kiện trực tiếp quản lý, sử dụng nên đã giao cho anh, chị, em của mình (cũng là người được cha/mẹ phân chia đất) thực hiện việc trông nom, quản lý hộ mình; sau một thời gian, họ quay về đòi lại đất nhưng không được trả nên đã khởi kiện yêu cầu trả lại phần đất đã được chia hoặc chia thừa kế quyền sử dụng đất của cha mẹ để lại.

Với các tình tiết nêu trên, có quan điểm cho rằng việc người chồng hoặc vợ còn sống đứng ra phân chia nhà, đất là tài sản chung của vợ chồng cho các con là không hợp pháp về phần định đoạt tài sản do người vợ hoặc chồng đã chết để lại. Trường hợp người chết không để lại di chúc thì phần tài sản do người chết để lại phải được chia thừa kế theo pháp luật, các thừa kế phải được hưởng phần di sản bằng nhau, cho dù chia bằng hiện vật hay bằng giá trị. Việc người chồng hoặc vợ còn sống phân chia toàn bộ nhà, đất cho các con, mặc dù những người thừa kế đồng thuận về việc chia tài sản, là định đoạt vượt quá phần quyền tài sản của họ trong khối tài sản chung nên thỏa thuận phân chia nhà, đất vô hiệu về phần phân chia tài sản do người chết để lại. Trường hợp có yêu cầu chia thừa kế thì Tòa án phải thụ lý, giải quyết vụ án tranh chấp di sản thừa kế. Quan điểm khác lại cho rằng, khi người chồng hoặc vợ còn sống phân chia toàn bộ nhà, đất là tài sản chung của vợ chồng cho các con, những người thừa kế của người để lại di sản đều thống nhất phân chia; trong phần tài sản mỗi người được nhận có phần là di sản thừa kế, có phần là tài sản được cha, mẹ còn sống tặng cho; việc phân chia này tuy không tách bạch đâu là phần chia thừa kế, đâu là phần tặng cho nhưng đều đảm bảo quyền lợi của các con; những người được phân chia đã nhận nhà, đất trên thực tế, đăng ký kê khai và được đứng tên trên các giấy tờ về nhà, đất thì phải xác định nhà, đất đó đã chuyển thành tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của các cá nhân, không còn là di sản để chia thừa kế (trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Những người này chỉ có quyền khởi kiện đòi lại nhà, đất được chia đang bị người khác (cũng là người được phân chia nhà, đất) chiếm hữu, sử dụng bất hợp pháp mà không có quyền yêu cầu chia di sản thừa kế là nhà, đất.

Để hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự như trên phải được giải quyết như nhau, Tòa án nhân dân tối cao đã lựa chọn, công bố Án lệ số 24/2018/AL về di sản thừa kế chuyển thành tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của cá nhân. Án lệ này được phát triển từ Quyết định giám đốc thẩm số 27/2015/DS-GĐT ngày 16-10-2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án dân sự “Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất” tại thành phố Hà Nội giữa nguyên đơn là bà Phạm Thị H, bà Phạm Thị H1, bà Phạm Thị H2 với bị đơn là ông Phạm Văn H3; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm 12 người.

III. Nội dung án lệ

Trong vụ việc tạo lập nên Án lệ số 24/2018/AL, vợ chồng cụ Phạm Văn H (chết năm 1978) và cụ Ngô Thị V (chết năm 1994) có 07 con chung là các ông, bà Phạm Thị H, Phạm Thị H1, Phạm Thị H2, Phạm Văn H3, Phạm Văn Đ (chết năm 1998), Phạm Văn T, Phạm Văn Q (chết năm 2000). Hai cụ tạo lập được khối tài sản chung là gian nhà tranh vách đất trên khoảng 464m2 đất tại thị trấn Q, tỉnh Hà Tây (cũ, nay là thành phố Hà Nội). Sau khi cụ H chết, cụ V đã họp các con và đứng ra phân chia toàn bộ thửa đất cho các con, không ai có ý kiến gì và đều thống nhất thực hiện việc phân chia này. Phần đất chia cho ông Đ (94m2), ông Q (78m2), ông T (189m2) thì các ông đều đã nhận đất sử dụng, sau đó đã được đăng ký đứng tên chủ sử dụng đất, hoặc chuyển nhượng cho người khác (đã đăng ký điều chỉnh trong các giấy tờ về đất), cho đến nay không ai có tranh chấp gì. Đối với 110m2đất còn lại, cụ V chia cho ông H3 và các bà H, H1, H2, trong đó các bà H, H1, H2 được chia chung 44,4m2. Tại thời điểm chia đất, các bà H, H1, H2 đang sinh sống ở nơi khác, chưa có nhu cầu sử dụng đất nên ông H3 quản lý phần đất này. Năm 2004, các bà H, H1, H2 có nhu cầu xây dựng nhà trên đất thì ông H3 không thừa nhận là đất của ba chị em, không đồng ý trả lại đất cho các bà. Bà H, H1, H2 khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc ông H3 phải trả lại 44,4m2 đất đã được chia, sau đó thay đổi lời khai yêu cầu chia di sản thừa kế đối với phần 110m2 đất có nguồn gốc do cha mẹ tạo lập mà ông H3 đang quản lý.

Vụ việc này đặt ra các vấn đề pháp lý cụ thể như sau:

  • Thứ nhất, việc người chồng hoặc vợ còn sống và các con thống nhất phân chia toàn bộ nhà, đất của vợ chồng cho các con, tức là phân chia cả phần tài sản do người chết để lại và phần tài sản của người còn sống trong khối tài sản chung thì việc phân chia này có hợp pháp hay không? Nhà, đất sau khi phân chia có còn là di sản hay không?
  • Thứ hai, người đã được phân chia nhà, đất có quyền yêu cầu chia di sản thừa kế của cha, mẹ để lại hay không? Trường hợp nhà, đất mà họ được chia bị người khác (cũng là người được phân chia nhà, đất) chiếm hữu, sử dụng bất hợp pháp mà họ có yêu cầu được trả lại thì quan hệ pháp luật có tranh chấp được Tòa án thụ lý, giải quyết là gì?

Về vấn đề pháp lý thứ nhất, tại Quyết định giám đốc thẩm số 27/2015/DS-GĐT, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã lập luận rằng“…nhà đất của cụ V, cụ H đã được cụ V và các thừa kế của cụ H thống nhất phân chia tài sản chung xong từ năm 1991 và đủ cơ sở xác định phần đất 110m2 trong đó phần bà H, bà H1 và bà H2 là 44,4m2. Việc phân chia đã được thực hiện trên thực tế và đã được điều chỉnh trên sổ sách giấy tờ về đất đai; thỏa thuận phân chia không vi phạm quyền lợi của bất cứ thừa kế nào, không ai tranh chấp nên có cơ sở xác định nhà, đất không còn là di sản thừa kế của cụ V, cụ H nữa mà đã chuyển thành quyền sử dụng đất hợp pháp của các cá nhân”. Lập luận này trong quyết định giám đốc thẩm đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn, phát triển thành Án lệ số 24/2018/AL.

Án lệ đã đưa ra những điều kiện cần và đủ để xác định trường hợp nào thì di sản thừa kế chuyển thành tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của cá nhân. Theo đó, việc người chồng hoặc vợ còn sống cùng với các thừa kế của người chết trước thống nhất phân chia toàn bộ nhà, đất của vợ chồng là hợp pháp khi có đủ các điều kiện sau:

  1. Các bên thỏa thuận thống nhất phân chia nhà, đất;
  2. Thỏa thuận phân chia không vi phạm quyền lợi của bất cứ thừa kế nào, không có ai tranh chấp;
  3. Việc phân chia đã được thực hiện trên thực tế và được điều chỉnh trên sổ sách giấy tờ về đất đai.

Các điều kiện nêu trên chính là điều kiện đảm bảo thỏa thuận phân chia thể hiện đúng ý chí của các bên, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên theo quy định của pháp luật, phù hợp với nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận trong giao dịch dân sự. Về mặt thủ tục, việc chuyển dịch về quyền tài sản thuộc diện phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ghi nhận. Án lệ đã khẳng định đối với trường hợp này, nhà, đất không còn là di sản thừa kế mà đã chuyển thành tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của các cá nhân.

Về vấn đề pháp lý thứ hai, nội dung Án lệ đã chỉ ra rằng“… bà H, bà H1, bà H2 chỉ có quyền khởi kiện đòi lại 44,4m2 đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp do được chia từ năm 1991; tài sản là di sản thừa kế của cha mẹ không còn nên không có cơ sở chấp nhận yêu cầu chia di sản của cụ H, cụ V nữa”. Án lệ đã chỉ ra đường lối áp dụng thống nhất pháp luật về tố tụng, theo đó trường hợp di sản thừa kế đã chuyển thành tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của cá nhân thì người đã nhận phân chia tài sản chỉ có quyền khởi kiện đòi lại nhà, đất được chia đang bị người khác chiếm hữu, sử dụng bất hợp pháp mà không có quyền yêu cầu chia di sản thừa kế là nhà, đất.

IV. Tình huống tương tự được áp dụng án lệ

Án lệ số 24/2018/AL được tạo lập nhằm hướng dẫn các Tòa án giải quyết các tranh chấp liên quan đến nhà, đất là tài sản chung của vợ chồng mà một người chết trước, người còn lại và các thừa kế của người chết trước tự thỏa thuận thống nhất phân chia nhà, đất. Theo đó, nếu thỏa thuận phân chia không vi phạm quyền lợi của bất cứ thừa kế nào, việc phân chia nhà, đất đã được thực hiện trên thực tế và đã được điều chỉnh trên sổ sách giấy tờ về đất đai (thể hiện trên Bản đồ địa chính, sổ mục kê, sổ đăng ký ruộng đất… mà chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), sau khi người còn lại chết mới phát sinh tranh chấp thì khi giải quyết vụ án, Tòa án phải xác định nhà, đất đó đã chuyển thành tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của các cá nhân; những người này chỉ có quyền khởi kiện đòi lại nhà, đất được chia đang bị người khác chiếm hữu, sử dụng bất hợp pháp mà không có quyền yêu cầu chia di sản thừa kế là nhà, đất. Án lệ được áp dụng khi vụ việc có đầy đủ các tình tiết pháp lý như đã nêu ở trên.

Trong Án lệ này, tài sản chung của vợ chồng là nhà, đất. Vậy, trường hợp tài sản chung của vợ chồng là tài sản khác (không phải là nhà đất) mà một người chết trước không để lại di chúc, người còn lại và các thừa kế của người chết trước đã thống nhất phân chia tài sản đó, thỏa thuận phân chia đã được thực hiện trên thực tế, không vi phạm quyền lợi của bất cứ thừa kế nào thì Tòa án cũng có thể nghiên cứu, xem xét vận dụng án lệ này để giải quyết.

“Theo Trang tin điện tử về án lệ Toà án nhân dân tối cao”


.
.
.
.
# # #