0931 79 92 92

Bình luận về Án lệ số 29/2019/AL vềtài sản bịchiếm đoạt trong tội“Cướp tài sản”

Bình luận về Án lệ số 29/2019/AL vềtài sản bịchiếm đoạt trong tội“Cướp tài sản”

Đăng Khoa

Án lệ này được phát triển từ Quyết định giám đốc thẩm số 20/2018/HSGĐT ngày 15-10-2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Cướp tài sản” đối với bị cáo: Lê Xuân Q, sinh năm 1993 và được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 22 tháng 8 năm 2019 và được công bố theo Quyết định số 293/QĐ-CA ngày 09 tháng 9 năm 2019 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Tình huống án lệ và giải pháp pháp lý như sau:

Bị cáo có hành vi dùng vũ lực tấn công bị hại, làm bị hại lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm mục đích không trả số tiền mà bị cáo có nghĩa vụ phải thanh toán cho bị hại. Trường hợp này, bị cáo phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cướp tài sản”.

Tình huống án lệ này được khái quát từ các tình tiết, nội dung vụ án cụ thể như sau:

Khoảng 22 giờ ngày 19-01-2015, Lê Xuân Q, Trần Xuân L, Nguyễn Văn L, Trương Sỹ T, Hà Thị Thu H và các đối tượng H1, Bin (không rõ lai lịch) đến hát tại phòng 203 của quán Karaoke M thuộc phường H, quận L, thành phố Đà Nẵng, do anh Nguyễn Thành H làm chủ. Đến khoảng 23 giờ 30 phút cùng ngày thì mọi người về trước, Q và Nguyễn Văn L ở lại tính tiền. Anh Võ Minh T được anh Nguyễn Thành H giao quản lý tại quán, kiểm tra phòng 203 và viết phiếu thanh toán hết 408.000 đồng. Lê Xuân Q đưa 208.000 đồng và 01 điện thoại di động cho anh Võ Minh T và nói hôm sau quay lại thanh toán số tiền 200.000 đồng còn thiếu và chuộc lại điện thoại, nhưng anh Võ Minh T không chấp nhận. Lúc này Trương Sỹ T điều Khiển xe quay lại chở Q và Nguyễn Văn L, thì Q nói với chủ quán là để Q về lấy tiền, còn Nguyễn Văn L và Trương Sỹ T ở lại. Q điều Khiển xe đến gặp Trần Xuân L và H1, Q nói với Trần Xuân L mang điện thoại của Trần Xuân L đến quán Karaoke thế chấp cho số tiền còn thiếu, nhưng Trần Xuân L không đồng ý. Q nói với Trần Xuân L và H1 quay lại quán Karaoke M đuổi đánh nhân viên trong quán để cho Nguyễn Văn L, Trương Sỹ T bỏ chạy và quỵt 200.000 đồng còn thiếu. Trần Xuân L và H1 đồng ý.

Sau đó, Lê Xuân Q chở Trần Xuân L và H1 đến bụi rậm gần Khu chung cư I thuộc phường H, quận L, thành phố Đà Nẵng và chỉ cho H1, Trần Xuân L vào lấy 02 cây mã tấu tự tạo dài khoảng 60 cm do Q cất giữ trước đó. Trần Xuân L và H1 mỗi người cầm 01 cây mã tấu rồi lên xe quay lại quán Karaoke M.

Khoảng 00 giờ ngày 20-01-2015, Lê Xuân Q điều Khiển xe đến trước quán Karaoke M rồi dừng lại và ngồi trên xe, còn H1 và Trần Xuân L cầm theo mã tấu xông vào quán. Thấy H1 và Trần Xuân L xông vào, Nguyễn Văn L và Trương Sỹ T bỏ chạy về nhà. Trần Xuân L và H1 cầm mã tấu rượt đuổi các nhân viên trong quán, anh Đinh Đức T, anh Võ Minh T chạy vào nhà vệ sinh, anh Nguyễn Thành H chạy lên tầng 2 đóng cửa lại, còn anh Phan Thanh T là bảo vệ của quán chạy ra ngoài đường trốn. Trần Xuân L đuổi theo đến quầy tính tiền thì dừng lại và phát hiện 02 máy tính bảng hiệu Hanet màu đen để trong ngăn tủ kéo, Trần Xuân L lấy 02 máy tính bảng giấu trong người rồi đi ra, H1 cũng đi ra rồi lên xe do Lê Xuân Q điều Khiển tẩu thoát. Trên đường đi, H1 và Trần Xuân L vứt 02 cây mã tấu ven đường Nguyễn Sinh S (không thu hồi được vật chứng). KHI cả ba đến Khu chung cư F, Trần Xuân L đưa ra 02 máy tính bảng và nói lấy tại quán Karaoke M, thì Q đề nghị đem trả lại, nhưng Trần Xuân L nói “Giờ trả lại sợ Công an bắt”, nghe thế, Lê Xuân Q nói “Tôi không liên quan” rồi về nhà ngủ. Sáng hôm sau Lê Xuân Q đem trả xe cho Trần Xuân L rồi bỏ trốn. Đối với 02 máy tính bảng, Trần Xuân L bán cho một người đàn ông không rõ lai lịch được 1.100.000 đồng và tiêu xài hết. Hai máy tính này không thu hồi được.

Có thẻ thấy sau khi bàn bạc thống nhất, khoảng 00 giờ ngày 20-01-2015, Lê Xuân Q cùng Trần Xuân L và H1 mang theo 02 mã tấu đến quán Karaoke M. Q đứng ngoài, còn Trần Xuân L và H1 cầm mã tấu rượt đuổi nhân viên của quán để giải vây cho Nguyễn Văn L, Trương Sỹ T nhằm không trả 200.000 đồng tiền dịch vụ hát Karaoke còn nợ trước đó. Lê Xuân Q không trực tiếp cầm mã tấu rượt đuổi các nhân viên của quán Karaoke M nhưng Q cùng bàn bạc, chuẩn bị hung khí, chở Trần Xuân L và H1 đến quán Karaoke M đế thực hiện hành vi phạm tội, nên Q đồng phạm với Trần Xuân L và H1 về hành vi cướp tài sản đối với số tiền 200.000 đồng. Như vậy, các bị cáo có hành vi dùng vũ lực tấn công bị hại để giải thoát cho đồng bọn, nhằm mục đích không trả số tiền mà bị cáo có nghĩa vụ phải thanh toán cho bị hại là có đủ yếu tố cấu thành tội “Cướp tài sản”.

Tội cướp tài sản được quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự năm 1999 như sau:

“1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.”

Điều 133. Tội cướp tài sản

Việc ban hành án lệ nêu trên là cần thiết vì theo quy định tại khoản 1 Điều 133 Bộ luật Hình sự năm 1999 như trên thì mục đích trong tội “Cướp tài sản” là “nhằm chiếm đoạt tài sản”. Theo quan điểm thông thường thì tài sản bị chiếm đoạt được xác định trong tội cướp thường là vật, tiền hoặc giấy tờ trị giá được bằng tiền, còn đối với quyền tài sản thì hầu hết các cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng không thuộc phạm vi điều chỉnh của tội cướp. Tuy nhiên, cách xác định này là chưa đầy đủ và chưa phù hợp với các quy định của pháp luật dân sự về khái niệm tài sản.

Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì tài sản được định nghĩa là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Như vậy, quyền tài sản cũng được coi là tài sản và phải hiểu là thuộc phạm vi điều chỉnh của Tội cướp tài sản.

Vụ án tạo lập nên án lệ này là một vụ án có đồng phạm. Tuy nhiên, giải pháp pháp lý được đưa ra để giải quyết các vụ án có tình tiết tương tự vẫn có thể được áp dụng đối với vụ án thông thường có tình tiết tương tự nhưng không có đồng phạm, theo đó bị cáo có hành vi dùng vũ lực tấn công bị hại, làm bị hại lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm mục đích không trả số tiền mà bị cáo có nghĩa vụ phải thanh toán cho bị hại thì phải xác định bị cáo phạm tội cướp tài sản.

“Theo Trang tin điện tử về án lệ Toà án nhân dân tối cao”


.
.
.
.
# # #