Di chúc và những điều cần biết
Với mong muốn lập di chúc để lại và phân chia tài sản cho người khác sau khi mình mất là việc được rất nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy mơ hồ và không biết nên bắt đầu từ đâu khi nghĩ về việc lập di chúc. Do đó tại bài viết này, Nguyên Luật xin thông tin đến quý bạn đọc những điều cơ bản nhất của di chúc cũng như việc lập di chúc sao cho tuân thủ với quy định của pháp luật nhất.
Di chúc là gì?
Theo quy định tại Điều 624 Bộ luật dân sự 2015, di chúc là sự thể hiện ý chỉ của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi mất.
Mục đích của việc lập di chúc là đảm bảo được tài sản của người viết di chúc được phân chia theo đúng nguyện vọng của mình
Ai có quyền lập di chúc?
Theo quy định tại Điều 625 Bộ Luật dân sự 2015, người thành niên minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình
Ngoài ra, người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
Hình thức của di chúc
Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, di chúc phải được lập thành văn bản, trong trường hợp không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng
Di chúc bằng văn bản
Di chúc bằng văn bản bao gồm các loại sau đây:
- Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng: Trong trường hợp này, người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc. Đồng thời di chúc phải tuân thủ các quy định về nội dung của di chúc
- Di chúc bằng văn bản có người làm chứng:
- Trong trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.
- Những người không được làm chứng cho việc lập di chúc bao gồm: Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc hay Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
- Di chúc bằng văn bản có công chứng: Người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng bản di chúc
- Di chúc bằng văn bản có chứng thực: Người lập di chúc có thể yêu cầu chứng thưc bản di chúc
Di chúc miệng
Một người được lập di chúc miệng trong trường hợp tính mạng của người đó bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
Nội dung của di chúc
Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau:
- Ngày, tháng, năm lập di chúc;
- Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
- Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
- Di sản để lại và nơi có di sản.
Ngoài các nội dung ở trên, người lập di chúc có thể thêm các nội dung khác.
Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.
Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc
Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.
Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.
Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.
Hiệu lực của di chúc
Di chúc có hiệu lực kể từ thời điểm mở thừa kế
Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần đối với những trường hợp sau đây:
- Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
- Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Trong trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người thừa kế chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, hay một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực.
Trong trường hợp di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế thì di chúc không có hiệu lực; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản đó vẫn có hiệu lực.
Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực.
Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.
Trên đây là tư vấn của Nguyên Luật về Những điều cơ bản cần biết của di chúc. Nếu bạn cần sự tư vấn vui lòng gọi Hotline: 0931. 177. 377 (Mr. Trung). Chúng tôi sẽ liên hệ để giải đáp các thắc mắc hay tư vấn, giải quyết các vấn đề khó khăn của bạn.
Khách hàng có thể liên hệ trực tiếp tại Công ty Luật TNHH Nguyên Luật và Cộng sự tại địa chỉ:
- Trụ sở chính: 135 Nguyễn Thị Nhung, KDC Vạn Phúc, phường Hiệp Bình Phước, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh
- Chi nhánh Bình Dương: 547 Nguyễn Trãi, phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An, Bình Dương.
Trân trọng!