Điều kiện tách thửa đất tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 31/10/2024
Hiện nay, nhiều người dân có nhu cầu tách thửa đất vì nhiều mục đích khác nhau như: Chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế,…và vừa mới đây Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành quy định về diện tích tối thiểu và Bảng giá đất mới được áp dụng trên địa bàn do đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc tách thửa đất của người dân tại đây. Vì vậy, để thực hiện được thủ tục này thì người dân cần nắm rõ các quy định của pháp luật, nhất là tại thời điểm vừa thay đổi hệ thống luật về đất đai như hiện nay. Bài viết dưới đây, Nguyên Luật sẽ thông tin đến các bạn đầy đủ các quy định của pháp luật về điều kiện tách thửa đất theo quy định của pháp luật mới nhất hiện nay.
Tách thửa đất là gì?
Hiện nay vẫn chưa có một văn bản pháp luật nào định nghĩa “tách thửa đất” là gì? Tuy nhiên, dựa vào quy định của pháp luật về đất đai, có thể hiểu “tách thửa đất” là quy trình phân chia thửa đất từ một thửa ban đầu thành hai hoặc nhiều thửa riêng biệt trên cơ sở quy định của pháp luật.
Khi việc tách thửa hoàn thành người sử dụng đất sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất đối với phần đất vừa được tách thửa.
Điều kiện tách thửa đất tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay
Dựa trên quy định tại Điều 220 Luật Đất đai 2024 thì việc tách thửa đất phải thoả mãn các điều kiện và nguyên tắc sau đây:
- Thửa đất đã được cấp một trong các loại giấy chứng nhận sau:
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất
- Thửa đất còn trong thời hạn sử dụng đất
- Đất không có tranh chấp, không bị kê biên để bảo đảm thi hành án, không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Trường hợp đất có tranh chấp nhưng xác định được phạm vi diện tích, ranh giới đang tranh chấp thì phần diện tích, ranh giới còn lại không tranh chấp của thửa đất đó được phép tách thửa đất
- Việc tách thửa đất phải bảo đảm có lối đi
- Lối đi đó do các bên thỏa thuận và phải được sự chấp thuận của Uỷ ban nhân dân quận, huyện hoặc Thành phố Thủ Đức
- Lối đi phải đảm bảo được kết nối với đường giao thông công cộng hiện có; bảo đảm cấp nước, thoát nước, điện phòng cháy chữa cháy và nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý
- Phần diện tích đất được xác định làm lối đi sử dụng cho nhiều thửa đất (từ 02 thửa đất trở lên) thì được chuyển sang hình thức sử dụng chung trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất
- Trường hợp người sử dụng đất dành một phần diện tích của thửa đất ở hoặc thửa đất có đất ở và đất khác trong cùng thửa đất để làm lối đi, khi thực hiện việc tách thửa đất thì không phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích đất để làm lối đi đó.
- Các thửa đất sau khi tách thửa phải bảo đảm diện tích tối thiểu với loại đất đang sử dụng theo quy định của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
- Một số điều kiện khác
- Trường hợp chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất thì thực hiện tách thửa, diện tích tối thiểu của thửa đất sau khi tách phải bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu của loại đất sau khi chuyển mục đích sử dụng. Đối với thửa đất có đất ở và đất khác thì không bắt buộc thực hiện tách thửa khi chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất, trừ trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu tách thửa.
- Trường hợp phân chia quyền sử dụng đất theo bản án, quyết định của Tòa án mà việc phân chia không bảo đảm các điều kiện, diện tích, kích thước tách thửa theo quy định thì không thực hiện tách thửa.
Quy định về diện tích tối thiểu được phép tách thửa đất tại Thành phố Hồ Chí Minh
Dựa trên Điều 4 Quyết định số 100/2024/QĐ-UBND do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành áp dụng từ ngày 31/10/2024. Thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại sau tách thửa (đã trừ phần diện tích thuộc quy hoạch công trình giao thông) phải đảm bảo diện tích tối thiểu như sau:
- Đối với thửa đất ở
Khu vực | Thửa đất ở hình thành và thửa đất ở còn lại sau khi tách thửa |
Khu vực 1, gồm các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và Tân Phú | Tối thiểu 36m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 3m. |
Khu vực 2, gồm các quận: 7, 12, Bình Tân, thành phố Thủ Đức và thị trấn các huyện | Tối thiểu 50m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 4m. |
Khu vực 3, gồm các huyện: Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, cần Giờ (ngoại trừ thị trấn) | Tối thiểu 80m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 5m. |
- Đối với thửa đất nông nghiệp
- 500m2 đối với đất trồng cây hàng năm, đất nông nghiệp khác.
- 1.000m2 đối với đối với đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất chăn nuôi tập trung.
Lưu ý:
Trường hợp thửa đất được tách có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa thì phải thực hiện đồng thời việc hợp thửa với thửa đất liền kề để đảm bảo quy định phù hợp với diện tích tối thiểu theo quy định của pháp luật hiện hành
Như vậy, Nguyên Luật đã thông tin đến bạn toàn bộ thông tin về điều kiện tách thửa đất tại Thành phố Hồ Chí Minh theo quy định của pháp luật hiện nay. Nếu các bạn có bất cứ thắc mắc nào khác liên quan đến những điều kiện trên hoặc có nhu cầu thực hiện thủ tục tách thửa đất, vui lòng liên hệ đến chúng tôi thông qua các thông tin bên dưới để được hỗ trợ.
LIÊN HỆ NGUYÊN LUẬT
Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất. Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả!
- Hotline: 0931.79.92.92 (Luật sư Nguyễn Thành Trung)
- Email: luatsu@nguyenluat.com