Hậu quả của nhà đầu tư nước ngoài khi không thực hiện góp vốn đúng hạn
Việc thu hút đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần được quan tâm, đặc biệt là trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không thực hiện góp vốn đúng hạn. Hành vi này có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng cho cả nhà đầu tư, doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung. Qua bài viết này, Nguyên Luật sẽ cung cấp cho quý khách hàng các thông tin về vấn đề này
CĂN CỨ PHÁP LUẬT
- Luật Đầu tư năm 2020.
- Luật Doanh nghiệp năm 2020.
- Nghị định 31/2021/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Đầu tư.
- Nghị định số 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
- Thông tư 25/2023/TT-BKHĐT
Khái niệm góp vốn đúng hạn
Căn cứ theo Khoản 19 Điều 3 Luật đầu tư 2020 thì nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân không có quốc tịch Việt Nam mà có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Vậy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là hoạt động mà các nhà đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp hoặc cá nhân) bỏ vốn đầu tư vào Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Hình thức góp vốn
Theo Điều 25 Luật doanh nghiệp 2020 thì hình thức góp vốn đầu tư nước ngoài bao gồm:
- Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần thông qua việc mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông;
- Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn thông qua việc mua phần vốn góp của các thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn;
- Góp vốn vào công ty hợp danh thông qua việc mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh;
- Góp vốn vào công ty Việt Nam theo hình thức khác.
Việc góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài theo các hình thức quy định nêu trên phải đáp ứng các điều kiện về:
- Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế tại công ty niêm yết, công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán. Trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác. (khoản 1 Điều 23 Luật đầu tư 2020)
- Hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động, đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư và điều kiện khác theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Thời hạn góp vốn
Luật Đầu tư 2020 không quy định cụ thể thời hạn cho việc hoàn tất góp đủ vốn đầu tư đã đăng ký. Thay vào đó, thời hạn này được linh hoạt điều chỉnh dựa trên từng hình thức đầu tư như sau:
- Góp vốn thành lập công ty: Thời hạn mặc định là 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong trường hợp đặc biệt thì nhà đầu tư có thể đề nghị cơ quan quản lý đầu tư gia hạn thời hạn góp vốn, nhưng phải có lý do chính đáng và phù hợp với tiến độ thực hiện dự án đã đăng ký.
- Đầu tư theo hợp đồng: Thời hạn góp vốn được thỏa thuận giữa các bên tham gia đầu tư.
- Góp vốn, mua cổ phần: Thời điểm góp vốn đồng thời là thời điểm nhận chuyển nhượng vốn. Doanh nghiệp có thể cho phép cổ đông, thành viên chậm góp vốn hoặc hoán đổi nghĩa vụ góp vốn nhưng phải được thể hiện rõ ràng trong các văn bản ký kết để đảm bảo việc hoàn thiện sổ sách kế toán.
Lưu ý:
- Doanh nghiệp cần theo dõi chặt chẽ tiến độ góp vốn của nhà đầu tư để đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan và tuân thủ quy định của pháp luật.
- Việc quản lý hiệu quả thời hạn góp vốn góp phần nâng cao tính minh bạch và thu hút các nhà đầu tư tiềm năng tham gia vào các hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Hậu quả pháp lý khi chậm trễ góp vốn
Chậm trễ góp vốn là vi phạm pháp luật nghiêm trọng đối với nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đầu tư tại Việt Nam. Theo Nghị định số 122/2021/NĐ-CP, nhà đầu tư vi phạm sẽ phải chịu các chế tài hành chính như sau:
- Cụ thể căn cứ điểm a khoản 3 Điều 46 thì phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đối với hành vi:
- Không thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn hoặc thay đổi thành viên, cổ đông sáng lập theo quy định tại cơ quan đăng ký kinh doanh khi đã kết thúc thời hạn góp vốn mà hết thời gian điều chỉnh vốn do thành viên, cổ đông sáng lập không đủ vốn nhưng không có thành viên, cổ đông sáng lập nào thực hiện cam kết góp vốn.
- Điểm b khoản 5 Điều 46 quy định:
- Buộc thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn hoặc thay đổi thành viên, cổ đông sáng lập đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm trên.
Như vậy, mức xử phạt mà nhà đầu tư nước ngoài có thể bị áp dụng khi không kịp gia hạn góp vốn có thể lên tới 50.000.000 đồng.
Sau khi nhận quyết định, doanh nghiệp nộp phạt và tiến hành góp đủ vốn theo thời hạn ghi nhận tại quyết định của Phòng thanh tra hoặc điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gia hạn thời hạn góp vốn hoặc giảm vốn nếu không có khả năng góp vốn theo thời hạn ghi nhận tại quyết định của Phòng thanh tra.
Quy định về thời gian gia hạn góp vốn
Theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu quá hạn góp vốn đầu tư doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục gia hạn góp vốn. Luật Doanh nghiệp 2020 quy định công ty vốn đầu tư nước ngoài có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư: Thời hạn góp vốn điều lệ cho công ty mới thành lập là 90 ngày như đã nói hoặc một thời gian dài hơn được Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ghi nhận.
Điều kiện gia hạn góp vốn
- Còn thời hạn góp vốn đầu tư đến thời điểm nộp hồ sơ gia hạn.
- Trường hợp nộp hồ sơ gia hạn sau thời hạn góp vốn đầu tư, doanh nghiệp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể bị thu hồi GCNĐKĐT.
Hồ sơ gia hạn góp vốn
Để thực hiện thủ tục gia hạn góp vốn đối với nhà đầu tư nước ngoài thì hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau:
- Văn bản đề nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo Mẫu A.I.11.h được quy định tại Phụ lục A ban hành kèm theo Thông tư 25/2023/TT-BKHĐT
- Báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư đến thời điểm điều chỉnh theo Mẫu Mẫu A.I.12 được quy định tại phụ lục A ban hành kèm theo Thông tư Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT
- Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên/Đại hội đồng cổ đông/Chủ sở hữu công ty có vốn đầu tư nước ngoài về việc điều chỉnh dự án đầu tư;
- Tài liệu xác nhận thông tin tài khoản vốn đầu tư;
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp;
- Văn bản ủy quyền trong trường hợp nhà đầu tư không trực tiếp nộp hồ sơ.
Thủ tục gia hạn góp vốn
Bước 1: Lập hồ sơ điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (bao gồm các loại giấy tờ liệt kê ở phần trên.)
Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký gia hạn thời hạn góp vốn
- Sau khi chuẩn bị hồ sơ, nhà đầu tư nộp hồ sơ tới cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền.
- Nhà đầu tư thực hiện kê khai trực tuyến thông tin về dự án đầu tư tại Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài và nộp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền.
- Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày kê khai trực tuyến, nhà đầu tư phải nộp hồ sơ gia hạn tới cơ quan đăng ký đầu tư.
Bước 3: Giải quyết hồ sơ và nhận kết quả
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư ghi nhận thời hạn góp vốn điều lệ mới cho nhà đầu tư.
Bài viết trên đã cung cấp những thông tin cơ bản về hậu quả của nhà đầu tư nước ngoài khi không thực hiện góp vốn đúng hạn và thủ tục gia hạn góp vốn. Nếu quý Khách hàng có bất cứ thắc mắc nào hoặc cần tư vấn về các các vấn đề trên tại bất kỳ khu vực nào, vui lòng liên hệ đến chúng tôi thông qua các thông tin bên dưới.
LIÊN HỆ NGUYÊN LUẬT
Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất. Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả!
- Hotline: 0931.79.92.92 (Luật sư Nguyễn Thành Trung)
- Email: luatsu@nguyenluat.com