Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc/Tổng giám đốc, Kiểm soát viên trong Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Hiện nay, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là loại hình doanh nghiệp đang được nhiều nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn, loại hình doanh nghiệp này hiện đang chiếm đa số tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Vì thế, cấu trúc quản lý của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được rất nhiều người quan tâm đặc biệt là về vai trò, chức năng của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc/Tổng giám đốc và Kiểm soát viên. Trong bài viết này, Nguyên Luật sẽ cung cấp cho các khách hàng các thông tin cơ bản về các vấn đề trên.
1. Khái quát về Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
1.1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là gì ?
Theo Điều 74 Luật doanh nghiệp 2020 quy định về Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu và có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Chủ sở hữu của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được phát hành cổ phiếu nhưng có thể phát hành trái phiếu theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020 và quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được quy định tại Điều 128 và 129 Luật doanh nghiệp 2020.
1.2. Vốn điều lệ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Theo Điều 75 Luật doanh nghiệp 2020 thì vốn điều lệ của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu công ty cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty khi đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Ngoài ra, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chủ sở hữu công ty phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết. Trong trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn quy định, chủ sở hữu công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ bằng giá trị số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ. Trường hợp này, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày cuối cùng công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ theo quy định.
2. Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Theo Điều 76 và Điều 77 quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cụ thể như sau:
- Về quyền của chủ sở hữu Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là tổ chức:
- Quyết định nội dung Điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty
- Quyết định chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty
- Quyết định cơ cấu tổ chức quản lý công ty, bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm người quản lý, Kiểm soát viên của công ty
- Quyết định dự án đầu tư phát triển
- Quyết định các giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ
- Thông qua hợp đồng vay, cho vay, bán tài sản và các hợp đồng khác do Điều lệ công ty quy định có giá trị từ 50% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty
- Thông qua báo cáo tài chính của công ty
- Quyết định tăng vốn điều lệ của công ty, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty cho tổ chức, cá nhân khác, quyết định phát hành trái phiếu,
- Quyết định thành lập công ty con, góp vốn vào công ty khác
- Tổ chức giám sát và đánh giá hoạt động kinh doanh của công ty
- Quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của công ty
- Quyết định tổ chức lại, giải thể và yêu cầu phá sản công ty
- Thu hồi toàn bộ giá trị tài sản của công ty sau khi công ty hoàn thành giải thể hoặc phá sản
- Quyền khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.
- Về quyền của chủ sở hữu Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là cá nhân:
- Quyết định nội dung Điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty.
- Quyết định tăng vốn điều lệ của công ty; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty cho tổ chức, cá nhân khác; quyết định phát hành trái phiếu.
- Quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của công ty.
- Quyết định tổ chức lại, giải thể và yêu cầu phá sản công ty.
- Thu hồi toàn bộ giá trị tài sản của công ty sau khi công ty hoàn thành giải thể hoặc phá sản
- Quyền khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty.
- Quyết định đầu tư, kinh doanh và quản trị nội bộ công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.
- Về nghĩa vụ của chủ sở hữu Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
- Góp đủ và đúng hạn vốn điều lệ của công ty
- Tuân thủ theo Điều lệ của công ty
- Phải xác định và tách biệt tài sản của chủ sở hữu công ty với tài sản của công ty. Chủ sở hữu công ty là cá nhân phải tách biệt chi tiêu của cá nhân và gia đình mình với chi tiêu của Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
- Tuân thủ quy định của pháp luật về hợp đồng và quy định khác của pháp luật có liên quan trong việc mua, bán, vay, cho vay, thuê, cho thuê, hợp đồng, giao dịch khác giữa công ty và chủ sở hữu công ty.
- Chủ sở hữu công ty chỉ được quyền rút vốn bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ cho tổ chức hoặc cá nhân khác. Trường hợp rút một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ đã góp ra khỏi công ty dưới hình thức khác thì chủ sở hữu công ty và cá nhân, tổ chức có liên quan phải liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty.
- Chủ sở hữu công ty không được rút lợi nhuận khi công ty không thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.
- Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020 và Điều lệ công ty.
- Ngoài các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được nêu trên. Thì theo Điều 78 Luật doanh nghiệp 2020 có quy định về việc thực hiện quyền của chủ sở hữu Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên trong một số trường hợp đặc biệt như sau:
- Trường hợp chủ sở hữu công ty chuyển nhượng, tặng cho một phần vốn điều lệ cho tổ chức hoặc cá nhân khác hoặc công ty kết nạp thêm thành viên mới. Công ty phải tổ chức hoạt động theo loại hình công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần. Đồng thời thực hiện đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
- Trường hợp chủ sở hữu công ty là cá nhân bị tạm giam, bị kết án tù hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề theo quy định của pháp luật, thành viên đó ủy quyền cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty.
- Trường hợp chủ sở hữu công ty là cá nhân chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật là chủ sở hữu hoặc thành viên của công ty. Công ty phải tổ chức hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tương ứng và đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
- Trường hợp chủ sở hữu công ty là cá nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì phần vốn góp của chủ sở hữu được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự.
- Trường hợp chủ sở hữu công ty là cá nhân bị hạn chế hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự thì quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty được thực hiện thông qua người giám hộ.
- Trường hợp chủ sở hữu công ty là tổ chức bị giải thể hoặc phá sản thì người nhận chuyển nhượng phần vốn góp của chủ sở hữu sẽ trở thành chủ sở hữu hoặc thành viên công ty. Công ty phải tổ chức hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tương ứng. Đồng thời công ty đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
3. Hội đồng thành viên trong Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
- Trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là do cá nhân làm chủ sở hữu: Căn cứ theo Điều 85 Luật doanh nghiệp 2020 thì Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu thì không cần phải thành lập Hội đồng thành viên vì theo cơ cấu của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chỉ cần có Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trong đó, chủ sở hữu công ty là Chủ tịch công ty có thể kiêm hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
- Trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là do tổ chức làm chủ sở hữu: Căn cứ theo điểm Điều 79 Luật doanh nghiệp 2020 thì Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu có thể tổ chức theo điểm a Khoản 1 Điều 79 Luật doanh nghiệp 2020 và không cần thành lập Hội đồng thành viên.
- Ngoài ra, theo Điều 80 Luật Doanh nghiệp 2020 thì: Hội đồng thành viên có từ 03 đến 07 người do chủ sở hữu công ty bổ nhiệm, miễn nhiệm với nhiệm kỳ không quá 05 năm. Chủ tịch Hội đồng thành viên do chủ sở hữu công ty bổ nhiệm hoặc do các thành viên Hội đồng thành viên bầu theo nguyên tắc đa số theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều lệ công ty. Hội đồng thành viên nhân danh chủ sở hữu công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty; nhân danh công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty, trừ quyền và nghĩa vụ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ sở hữu công ty về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao theo quy định của Điều lệ công ty.
3.1. Quyền và nghĩa vụ của Hội đồng thành viên trong Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
- Quyền của Hội đồng thành viên: Quyền của Hội đồng thành viên được thực hiện theo quy định tại Điều lệ của Công ty, Luật doanh nghiệp 2020 và quy định khác của pháp luật có liên quan, cụ thể:
- Quyết định các vấn đề quan trọng của công ty: Chiến lược phát triển, kế hoạch kinh doanh, đầu tư, tài chính,…
- Bầu/bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc/Tổng giám đốc công ty.
- Giám sát hoạt động của Giám đốc/Tổng giám đốc công ty.
- Phê duyệt dự toán thu chi, quyết toán tài chính năm và các báo cáo tài chính khác của công ty.
- Quyết định các vấn đề liên quan đến vốn điều lệ của công ty như: tăng vốn, giảm vốn, chia vốn, chuyển nhượng vốn.
- Quyết định giải thể công ty.
- Quyết định các vấn đề khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
- Nghĩa vụ của Hội đồng thành viên: Nghĩa vụ của Hội đồng thành viên được thực hiện theo quy định tại Điều lệ của Công ty, Luật doanh nghiệp 2020 và quy định khác của pháp luật có liên quan, cụ thể:
- Tuân thủ pháp luật, Điều lệ công ty, quyết định của chủ sở hữu công ty trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao.
- Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty và chủ sở hữu công ty.
- Trung thành với lợi ích của công ty và chủ sở hữu công ty; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.
- Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
4. Chủ tịch công ty trong Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Có thể nói, Chủ tịch công ty là người thay chủ sở hữu công ty quản lý và điều hành công ty và có quyền quyết định trong nhiều vấn đề quan trọng trong doanh nghiệp, nếu chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên là cá nhân thì người này cũng có thể trực tiếp giữ chức danh Chủ tịch công ty. Đối với công ty có mô hình hoạt động Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Chủ tịch công ty TNHH 1 thành viên có thể kiêm nhiệm hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
4.1. Bổ nhiệm Chủ tịch Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Theo Khoản 1 Điều 81 Luật Doanh nghiệp 2020 thì Chủ tịch Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do chủ sở hữu Công ty bổ nhiệm.Quy trình, trình tự, thủ tục được thực hiện theo điều lệ của công ty :
- Chủ tịch công ty nhân danh chủ sở hữu công ty thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty, nhân danh công ty thực hiện quyền và nghĩa vụ của công ty, trừ quyền và nghĩa vụ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc
- Chủ tịch công ty chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ sở hữu công ty về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao theo quy định của Điều lệ công ty, Luật Doanh nghiệp 2020 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Mặc dù việc bổ nhiệm Chủ tịch Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được thực hiện theo Điều lệ của công ty nhưng Chủ tịch công ty phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện cụ thể:
- Là người có năng lực dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.
- Không thuộc đối tượng không được quản lý doanh nghiệp theo khoản 2 Điều 17 Luật doanh nghiệp 2020
- Được chủ sở hữu công ty bổ nhiệm.
- Có đủ năng lực, kinh nghiệm, trình độ học vấn theo quy định. Nếu công ty kinh doanh các ngành nghề có yêu cầu về vấn đề này. Ví dụ: Kinh doanh trong lĩnh vực hoạt động giáo dục, dịch vụ bảo vệ
- Đáp ứng các điều kiện pháp luật chuyên ngành đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
4.2. Quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Theo Điều 81 Luật Doanh nghiệp 2020 thì quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được thực hiện theo quy định tại Điều lệ công ty, Luật Doanh nghiệp năm 2020 và pháp luật có liên quan khác. Ngoài ra, Chủ tịch Công ty được chủ sở hữu bổ nhiệm để quản lý, điều hành công ty nên về cơ bản Chủ tịch công ty có các quyền và nghĩa vụ:
- Nhân danh chủ sở hữu công ty thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty đã được nêu ở mục 2 phía trên.
- Nhân danh công ty thực hiện quyền và nghĩa vụ của công ty, trừ quyền và nghĩa vụ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
- Về nghĩa vụ: Chủ tịch công ty chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ sở hữu công ty về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao theo quy định của Điều lệ công ty, Luật Doanh nghiệp 2020 và quy định khác của pháp luật có liên quan. Cụ thể tại Điều 83 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định trách nhiệm của Chủ tịch Công ty như sau:
- Tuân thủ pháp luật, Điều lệ công ty, quyết định của chủ sở hữu công ty trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao.
- Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty và chủ sở hữu công ty.
- Trung thành với lợi ích của công ty và chủ sở hữu công ty; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.
- Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho chủ sở hữu công ty về doanh nghiệp mà mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp chi phối và doanh nghiệp mà người có liên quan của mình làm chủ, cùng sở hữu hoặc sở hữu riêng cổ phần, phần vốn góp chi phối. Thông báo phải được lưu giữ tại trụ sở chính của công ty.
- Trách nhiệm khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.
4.3. Về quyết định của Chủ tịch Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Quyết định của Chủ tịch công ty về thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty có hiệu lực kể từ ngày được chủ sở hữu công ty phê duyệt, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác. Quyết định được lập thành văn bản, nội dung liên quan đến những vấn đề của công ty và nằm trong quyền hạn quyết định của Chủ tịch công ty.
5. Giám đốc/ Tổng giám đốc trong Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Theo Khoản 1 Điều 82 Luật Doanh nghiệp 2020 thì trong cơ cấu tổ chức của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, đối với mô hình chủ sở hữu là tổ chức thì Giám đốc/Tổng giám đốc được bổ nhiệm hoặc cũng có thể được thuê bởi Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty. Ngoài ra, chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên khác trong Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty có thể kiêm luôn chức danh Giám đốc/Tổng giám đốc. Còn đối với mô hình chủ sở hữu là cá nhân, Chủ tịch công ty có thể kiêm nhiệm hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Nhiệm kỳ của Giám đốc/Tổng giám đốc là không quá 5 năm kể từ ngày được bổ nhiệm
5.1 Tiêu chuẩn, điều kiện để làm Giám đốc/Tổng giám đốc trong Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Căn cứ theo Khoản 3 Điều 82 Luật Doanh nghiệp 2020 thì tiêu chuẩn và điều kiện để được bổ nhiệm làm Giám đốc/Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được quy định như sau:
- Không thuộc đối tượng thuộc quy định tại Khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020
- Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tế trong quản trị kinh doanh của công ty.
- Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác.
- Là người có năng lực dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.
5.2. Quyền và nghĩa vụ của Giám đốc/Tổng giám đốc trong Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Theo Khoản 2 Điều 82 Luật Doanh nghiệp 2020 thì giám đốc/Tổng giám đốc trong Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có các quyền và nghĩa vụ sau:
- Tổ chức thực hiện nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty;
- Quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty;
- Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty;
- Ban hành quy chế quản lý nội bộ của công ty;
- Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm người quản lý công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty;
- Ký hợp đồng nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty;
- Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức công ty;
- Trình báo cáo tài chính hằng năm lên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty;
- Kiến nghị phương án sử dụng lợi nhuận hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh;
- Tuyển dụng lao động;
- Quyền và nghĩa vụ khác được quy định tại Điều lệ công ty và hợp đồng lao động.
Ngoài quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 82 Luật Doanh nghiệp 2020 thì Giám đốc/Tổng giám đốc còn có các trách nhiệm được quy định tại Điều 83 Luật Doanh nghiệp 2020:
- Tuân thủ pháp luật, Điều lệ công ty, quyết định của chủ sở hữu công ty trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao.
- Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty và chủ sở hữu công ty.
- Trung thành với lợi ích của công ty và chủ sở hữu công ty; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.
- Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho chủ sở hữu công ty về doanh nghiệp mà mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp chi phối và doanh nghiệp mà người có liên quan của mình làm chủ, cùng sở hữu hoặc sở hữu riêng cổ phần, phần vốn góp chi phối. Thông báo phải được lưu giữ tại trụ sở chính của công ty.
- Trách nhiệm khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.
6. Kiểm soát viên trong Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
6.1. Thành lập Ban kiểm soát trong Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Theo Khoản 2 Điều 79 Luật Doanh nghiệp 2020 thì Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu thì không bắt buộc phải thành lập Ban kiểm soát. Tuy nhiên, trong Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu và chủ sở hữu là Doanh nghiệp Nhà nước (Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết) và các công ty con của công ty này thì phải thành lập Ban kiểm soát. Cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc, tiêu chuẩn, điều kiện, miễn nhiệm, bãi nhiệm, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của Ban kiểm soát, Kiểm soát viên thực hiện tương ứng theo quy định tại Điều 65 của Luật Doanh nghiệp 2020.
Ban kiểm soát có từ 01 đến 05 Kiểm soát viên. Nhiệm kỳ Kiểm soát viên không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Trường hợp Ban kiểm soát chỉ có 01 Kiểm soát viên thì Kiểm soát viên đó đồng thời là Trưởng Ban kiểm soát và phải đáp ứng tiêu chuẩn của Trưởng Ban kiểm soát.
6.2. Tiêu chuẩn và điều kiện của Kiểm soát viên trong Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Theo Khoản 2 Điều 79 Luật Doanh nghiệp 2020 thì Kiểm soát viên trong Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phải đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn sau:
- Không thuộc đối tượng theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật Doanh nghiệp 2020
- Được đào tạo một trong các chuyên ngành về kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh hoặc chuyên ngành phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;
- Không phải là người có quan hệ gia đình của thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác;
- Không phải là người quản lý công ty; không nhất thiết phải là cổ đông hoặc người lao động của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác;
- Tiêu chuẩn và điều kiện khác theo quy định khác của pháp luật có liên quan và Điều lệ công ty.
Ngoài ra, Trưởng Ban kiểm soát do Ban kiểm soát bầu trong số các Kiểm soát viên. Việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo nguyên tắc đa số. Ban kiểm soát phải có hơn một nửa số Kiểm soát viên thường trú tại Việt Nam. Trưởng Ban kiểm soát phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh hoặc chuyên ngành có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định tiêu chuẩn khác cao hơn.
6.3. Quyền và nghĩa vụ của Kiểm soát viên trong Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Theo Khoản 2 Điều 79 Luật Doanh nghiệp 2020 thì nghĩa vụ của Kiểm soát viên trong Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được quy định theo Điều 170 và Điều 171 Luật Doanh nghiệp 2020:
- Giám sát Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong việc quản lý và điều hành công ty.
- Kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp, tính trung thực và mức độ cẩn trọng trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh; tính hệ thống, nhất quán và phù hợp của công tác kế toán, thống kê và lập báo cáo tài chính.
- Thẩm định tính đầy đủ, hợp pháp và trung thực của báo cáo tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính hằng năm và 06 tháng của công ty, báo cáo đánh giá công tác quản lý của Hội đồng quản trị và trình báo cáo thẩm định tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên. Rà soát hợp đồng, giao dịch với người có liên quan thuộc thẩm quyền phê duyệt của Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông và đưa ra khuyến nghị về hợp đồng, giao dịch cần có phê duyệt của Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông.
- Rà soát, kiểm tra và đánh giá hiệu lực và hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản lý rủi ro và cảnh báo sớm của công ty.
- Xem xét sổ kế toán, ghi chép kế toán và tài liệu khác của công ty, công việc quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết hoặc theo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông hoặc theo yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại Khoản 2 Điều 115 của Luật Doanh nghiệp 2020.
- Khi có yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại Khoản 2 Điều 115 của Luật Doanh nghiệp 2020, Ban kiểm soát thực hiện kiểm tra trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc kiểm tra, Ban kiểm soát phải báo cáo về những vấn đề được yêu cầu kiểm tra đến Hội đồng quản trị và cổ đông hoặc nhóm cổ đông có yêu cầu. Việc kiểm tra của Ban kiểm soát quy định tại khoản này không được cản trở hoạt động bình thường của Hội đồng quản trị, không gây gián đoạn điều hành hoạt động kinh doanh của công ty.
- Kiến nghị Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông biện pháp sửa đổi, bổ sung, cải tiến cơ cấu tổ chức quản lý, giám sát và điều hành hoạt động kinh doanh của công ty.
- Khi phát hiện có thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc vi phạm quy định tại Điều 165 của Luật Doanh nghiệp 2020 phải thông báo ngay bằng văn bản cho Hội đồng quản trị, yêu cầu người có hành vi vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm và có giải pháp khắc phục hậu quả.
- Tham dự và tham gia thảo luận tại các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và các cuộc họp khác của công ty.
- Sử dụng tư vấn độc lập, bộ phận kiểm toán nội bộ của công ty để thực hiện nhiệm vụ được giao.
- Ban kiểm soát có thể tham khảo ý kiến của Hội đồng quản trị trước khi trình báo cáo, kết luận và kiến nghị lên Đại hội đồng cổ đông.
- Kiểm soát viên có quyền tiếp cận hồ sơ, tài liệu của công ty lưu giữ tại trụ sở chính, chi nhánh và địa điểm khác; có quyền đến địa điểm làm việc của người quản lý và nhân viên của công ty trong giờ làm việc.
- Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, Điều lệ công ty và nghị quyết Đại hội đồng cổ đông.
Ngoài ra, Theo Điều 79 Luật Doanh nghiệp 2020 thì Kiểm soát viên trong Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phải có trách nhiệm theo Điều 173 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
- Tuân thủ đúng pháp luật, Điều lệ công ty, nghị quyết Đại hội đồng cổ đông và đạo đức nghề nghiệp trong thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao.
- Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty.
- Trung thành với lợi ích của công ty và cổ đông; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.
- Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.
- Trường hợp vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này mà gây thiệt hại cho công ty hoặc người khác thì Kiểm soát viên phải chịu trách nhiệm cá nhân hoặc liên đới bồi thường thiệt hại đó. Thu nhập và lợi ích khác mà Kiểm soát viên có được do vi phạm phải hoàn trả cho công ty.
- Trường hợp phát hiện có Kiểm soát viên vi phạm trong thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao thì phải thông báo bằng văn bản đến Ban kiểm soát; yêu cầu người có hành vi vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm và khắc phục hậu quả.
Căn cứ pháp lý:
- Luật Doanh nghiệp 2020
Bài viết trên đã cung cấp những thông tin cơ bản về Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc/Tổng giám đốc và Kiểm soát viên trong Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Nếu quý Khách hàng có bất cứ thắc mắc nào hoặc cần tư vấn thông tin về cơ cấu tổ chức của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tại bất kỳ khu vực nào, vui lòng liên hệ đến chúng tôi thông qua các thông tin bên dưới.
LIÊN HỆ NGUYÊN LUẬT
Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất. Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả!
- Hotline: 0931.79.92.92 (Luật sư Nguyễn Thành Trung)
- Email: luatsu@nguyenluat.com