0931 79 92 92

Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2024

Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư

Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2024

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa, việc thu hút và quản lý đầu tư trở nên vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư được xem là bước đệm thiết yếu, đánh dấu sự khởi đầu của một dự án đầu tư, đồng thời là cơ sở pháp lý quan trọng để nhà đầu tư triển khai dự án của mình.

Thông qua bài viết này, Nguyên Luật sẽ cung cấp một cái nhìn tổng quan về quy trình và các bước thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, từ đó giúp nhà đầu tư nắm bắt được các yêu cầu cần thiết để chuẩn bị hồ sơ và tiến hành các bước thẩm định, chấp thuận theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Cơ sở pháp lý:

  • Luật đầu tư
  • Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật đầu tư

1. Chấp thuận chủ trương đầu tư là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật đầu tư thì: Chấp thuận chủ trương đầu tư là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về mục tiêu, địa điểm, quy mô, tiến độ, thời hạn thực hiện dự án; nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư và các cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có) để thực hiện dự án đầu tư.

Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư
Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư

2. Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư

2.1. Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội

Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư sau đây:

  • Dự án đầu tư ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm:
    • Nhà máy điện hạt nhân.
    • Dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 500 ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên.
  • Dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên.
  • Dự án đầu tư có yêu cầu di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở vùng khác.
  • Dự án đầu tư có yêu cầu áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

Cơ sở pháp lý: Điều 30 Luật đầu tư

hẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội
hẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội

2.2. Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ

Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ
Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ

Trừ các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư sau đây:

  • Dự án đầu tư không phân biệt nguồn vốn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
    • Dự án đầu tư có yêu cầu di dân tái định cư từ 10.000 người trở lên ở miền núi, từ 20.000 người trở lên ở vùng khác.
    • Dự án đầu tư xây dựng mới: cảng hàng không, sân bay; đường cất hạ cánh của cảng hàng không, sân bay; nhà ga hành khách của cảng hàng không quốc tế; nhà ga hàng hóa của cảng hàng không, sân bay có công suất từ 01 triệu tấn/năm trở lên.
    • Dự án đầu tư mới kinh doanh vận chuyển hành khách bằng đường hàng không;
    • Dự án đầu tư xây dựng mới: bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt; bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I.
    • Dự án đầu tư chế biến dầu khí.
    • Dự án đầu tư có kinh doanh đặt cược, ca-si-nô (casino), trừ kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài.
    • Dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên.
    • Dự án đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt; thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới.
    • Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất.
  • Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, trồng rừng, xuất bản, báo chí.
  • Dự án đầu tư đồng thời thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của từ 02 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên.

Cơ sở pháp lý: Điều 31 Luật đầu tư

2.3. Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh

Trừ các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội bà Thủ tướng Chính Phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư sau đây:

  • Dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng, dự án đầu tư có đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trừ trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân không thuộc diện phải có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đất đai.
  • Dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 300 ha và quy mô dân số dưới 50.000 người.
  • Dự án đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, trừ di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới; dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc khu vực hạn chế phát triển hoặc nội đô lịch sử (được xác định trong đồ án quy hoạch đô thị) của đô thị loại đặc biệt;
  • Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn (golf).
  • Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

Đối với dự án đầu tư quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều này thực hiện tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế chấp thuận chủ trương đầu tư.

Cơ sở pháp lý: Điều 32 Luật đầu tư

Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh
Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh

3. Thủ tục đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

  • Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư (gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận).
  • Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư: bản sao chứng minh nhân dân/căn cước công dân đối với cá nhân; bản sao giấy chứng nhận thành lập đối với tổ chức.
  • Bản sao một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư và tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư.
  • Đề xuất dự án đầu tư theo mẫu A.I.3 Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT.
  • Trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư.
  • Giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.
  • Hợp đồng BCC (nếu có).

Cơ sở pháp lý: Khoản 1 Điều 33 Luật đầu tư

Bước 2: Nộp hồ sơ

(1)  Đối với dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận đầu tư của Quốc hội

  • Cơ quan tiếp nhận: Bộ kế hoạch và đầu tư
  • Cơ quan có thẩm quyền giải quyết: Quốc hội
  • Thời hạn giải quyết: 
    • Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước.
    • Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày thành lập, Hội đồng thẩm định nhà nước tổ chức thẩm định hồ sơ và lập báo cáo thẩm định để trình Chính phủ.
    • Chậm nhất là 60 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, Chính phủ lập và gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đến cơ quan chủ trì thẩm tra của Quốc hội.

(2) Đối với dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận đầu tư của Thủ tướng Chính phủ

  • Cơ quan tiếp nhận: Bộ kế hoạch và đầu tư
  • Cơ quan có thẩm quyền giải quyết: Thủ tướng Chính phủ
  • Thời gian giải quyết:
    • Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định của cơ quan nhà nước có liên quan đến nội dung thẩm định.
    • Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến thẩm định về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
    • Trong thời hạn 40 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định hồ sơ và lập báo cáo thẩm định gồm các nội dung thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.

Cơ sở pháp lý: Điều 32 Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật đầu tư.

(3) Đối với dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận đầu tư Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh

  • Cơ quan tiếp nhận: Cơ quan đăng ký đầu tư
  • Cơ quan có thẩm quyền giải quyết: Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh
  • Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 35 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan đăng ký đầu tư phải thông báo kết quả cho nhà đầu tư.

Cơ sở pháp lý: Điều 33 Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật đầu tư.

Sau khi nộp đầy đủ hồ sơ, cơ quan tiếp nhận sẽ cấp giấy tiếp nhận hồ sơ có đề ngày hẹn trả kết quả.

Bước 3: Trả kết quả

Nhà đầu tư căn cứ vào ngày hẹn trên Giấy tiếp nhận hồ sơ đến nhận kết quả giải quyết tại Cơ quan đã nộp hồ sơ.

Trên đây là thông tin khái quát về thủ tục đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư trong năm 2024 mà Nguyên Luật cung cấp cho Quý khách hàng. Trường hợp Quý khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào hoặc cần tư vấn chi tiết thủ tục hoặc yêu cầu cung cấp dịch vụ thực hiện toàn bộ thủ tục đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư  thì có thể liên hệ đến chúng tôi thông qua thông tin bên dưới.

LIÊN HỆ NGUYÊN LUẬT

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất. Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả!

  •  Hotline: 0931.79.92.92 (Luật sư Nguyễn Thành Trung)
  •  Email: luatsu@nguyenluat.com

.
.
.
.
# # #