Thủ Tục Xin Giấy Phép Hoạt Động Cung Ứng Lao Động
Đối mặt với nhu cầu về việc huy động nguồn lực lao động trong một thời gian ngắn tăng cao, các doanh nghiệp hoạt động cung ứng lao động đã ra đời giúp các doanh nghiệp hoạt động được tối ưu hóa chi phí tuyển dụng, quản lý nhân sự đối với những công việc chỉ cần lao động tạm thời mà vẫn đảm bảo có đủ nhân lực cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, để có thể hoạt động trong lĩnh vực này thì doanh nghiệp cần phải được cấp giấy phép hoạt động. Vậy điều kiện, thủ tục xin giấy phép hoạt động cung ứng lao động được quy định như thế nào?
Khái niệm về hoạt động cung ứng lao động
Hiện nay, trong các quy định pháp luật của Việt Nam không có định nghĩa chính xác về hoạt động cung ứng lao động. Hoạt động cung ứng lao động được hiểu là việc một bên cung cấp nguồn nhân lực lao động của họ cho một bên khác, hay trong thuật ngữ pháp lý hoạt động này còn gọi là cho thuê lại lao động. Theo Điều 52 Bộ luật Lao động 2019 thì hoạt động cho thuê lại được định nghĩa là “việc người lao động giao kết hợp đồng lao động với một người sử dụng lao động là doanh nghiệp cho thuê lại lao động, sau đó người lao động được chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với người sử dụng lao động đã giao kết hợp đồng lao động”.

Tuy nhiên hoạt động cho thuê lại lao động là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nên doanh nghiệp chỉ được phép kinh doanh hoạt động này khi doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.
Điều kiện cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động
Theo quy định tại Điều 21 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì để được cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động thì doanh nghiệp phải đáp ứng những điều kiện như sau:
Đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cho thuê lại lao động cần đáp ứng những điều kiện như
- Là người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
- Không có án tích;
- Đã có thời gian trực tiếp làm chuyên môn hoặc quản lý về cho thuê lại lao động hoặc cung ứng lao động từ đủ 03 năm (36 tháng) trở lên trong thời hạn 05 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải thực hiện ký quỹ 2.000.000.000 (hai tỷ đồng).

Thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Thành phần hồ sơ bao gồm:
- Văn bản đề nghị cấp giấy phép của doanh nghiệp (Mẫu số 05 Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP)
- Bản lý lịch tự thuật của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp theo Mẫu số 07 Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP)
- Phiếu lý lịch tư pháp số 1. Trường hợp người đại diện là người nước ngoài thì thay thế bằng phiếu lý lịch tư pháp tại quốc gia mang quốc tịch.
- Giấy chứng nhận tiền ký quỹ hoạt động cho thuê lại lao động (Mẫu số 01 Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP)
- 01 bản sao bằng cấp chuyên môn hoặc một trong các văn bản chứng minh thời gian trực tiếp làm chuyên môn hoặc quản lý cung ứng lao động của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp (hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc/quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm, giao nhiệm vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp/giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp)
Bước 2: Nộp hồ sơ
Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để đề nghị cấp giấy phép. Sau khi kiểm tra đủ giấy tờ quy định trên, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp giấy biên nhận ghi rõ ngày, tháng, năm nhận hồ sơ.

Bước 3: Cấp giấy phép
Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép đối với doanh nghiệp. Trường hợp hồ sơ không đảm bảo quy định thì có văn bản trả lời doanh nghiệp và nêu rõ lý do trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, cấp giấy phép đối với doanh nghiệp; trường hợp không cấp giấy phép thì có văn bản trả lời doanh nghiệp trong đó nêu rõ lý do không cấp giấy phép.
Thời hạn của giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động tối đa là 60 tháng. Doanh nghiệp có thể gia hạn giấy phép nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối đa 60 tháng.
Trên đây là toàn bộ thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động cung ứng lao động đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này mà Nguyên Luật đã thông tin đến các bạn. Nếu các bạn có bất cứ thắc mắc nào khác liên quan đến thủ tục trên hoặc có nhu cầu tư vấn thực hiện thủ tục vui lòng liên hệ đến Nguyên Luật thông qua các thông tin bên dưới.
LIÊN HỆ NGUYÊN LUẬT
Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất. Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả!
- Hotline: 0931.79.92.92 (Luật sư Nguyễn Thành Trung)
- Email: luatsu@nguyenluat.com