0931 79 92 92

Bình luận Án Lệ 32/2020/AL Về trường hợp đất do cá nhân khai phá nhưng sau đó xuất cảnh định cư ở nước ngoài và người khác đã quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài

Bình luận Án Lệ 32/2020/AL Về trường hợp đất do cá nhân khai phá nhưng sau đó xuất cảnh định cư ở nước ngoài và người khác đã quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài

Quan điểm trong nghiên cứu này là của các tác giả và không đại diện cho Tòa án nhân dân tối cao, Liên minh Châu âu và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc”

(Trích) ÁN LỆ SỐ 32/2020/AL

Thông tin án lệ

Được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 05 tháng 02 năm 2020 và được công bố theo Quyết định số 50/QĐ-CA ngày 25 tháng 02 năm 2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Nguồn án lệ:

Quyết định giám đốc thẩm số 19/2019/DS-GĐTngày 20-8-2019 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao vềvụ án “Tranh chấp đòi quyền sử dụng đất” tại tỉnh Bạc Liêu giữanguyên đơn là bà Lý Kim S với bị đơn làông Trần Văn N; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm 16 người.

Vị trí nội dung án lệ:

Đoạn 1 phần “Nhận định của Toà án”.

Khái quát nội dung án lệ:

  • Tình huống án lệ: Đất có nguồn gốc là do cá nhân khai phá nhưng sau đó xuất cảnh định cư ở nước ngoài và người khác đã quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài. Trong quá trình sử dụng đất, ngườinày đã tôn tạo đất, xây dựng nhà ổn định, đăng ký kê khai và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
  • Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, phải xác định cá nhân khai phá đất không còn quyền sử dụng đất hợp pháp nên việc yêu cầu đòi lại quyền sử dụng đất là không có cơ sở để chấp nhận.

Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

  • Khoản 2 Điều 10, khoản 1, khoản 4 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 (tương ứng với khoản 5 Điều 26, khoản 1, khoản 4 Điều 100 Luật Đất đai năm 2013);
  • Khoản 1 Điều 164, Điều 176,khoản 2 Điều 177, các điều 192, 196, 201 Bộ luật Dân sự năm 1995 (tương ứng với khoản 1 Điều 155, Điều 170, khoản 2 Điều 171, các điều 185, 190, 195 Bộ luật Dân sự năm 2005; khoản 1 Điều 150, Điều 221, khoản 2 Điều 237, các điều 187, 182, 192 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Từ khoá của án lệ:

“Kiện đòi quyền sử dụng đất”; “Đất do cá nhân khai phá”; “Định cư ở nước ngoài”; “Người khác đã quản lý, sử dụng đất”; “Sử dụng đất ổn định, lâu dài”; “Được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Bình luận

I. Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ

1. Luật Đất đai năm 2003

“1. …
2. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam….”

Điều 10.Những bảo đảm cho người sử dụng đất

1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định, được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận không có tranh chấp mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất:
a) Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất đai trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b)Giấy chứng nhận quyền sử dụng đấttạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính;
c) Giấy tờ hợp pháp vềthừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liềnvới đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa gắn liền với đất;
d) Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, nay được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;
đ) Giấy tờ về thanh lý, hoá giá nhà ở gắn liền với đất ở theo quy định của pháp luật;
e) Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất;
….
4. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, nay được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất;

Điều 50.Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất

2. Bộ luật Dân sự năm 1995

“Thời hiệu áp dụng trong Bộ luật này bao gồm những loại sau đây:
1 – Thời hiệu hưởng quyền dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó, thì chủ thể được hưởng quyền dân sự;
…”

Điều 164.Các loại thời hiệu

“Quyền sở hữu được xác lập đối với tài sản trong các trường hợp sau đây:
1 – Do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp;
2-Được chuyển giao quyền sở hữu theo thoả thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
3-Thu hoa lợi, lợi tức;
4-Tạo thành vật mới do sáp nhập, trộn lẫn, chế biến;
5-Được thừa kế tài sản;
6-Chiếm hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định đốivới vật vô chủ, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên;
7-Chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai phù hợp với thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều 255 của Bộ luật này;
8-Các trường hợp khác do pháp luật quy định.”

Điều 176.Căn cứ xác lập quyền sở hữu

“Quyền sở hữu chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
1-Chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu của mình cho người khác;
2-Chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữucủa mình;”

Điều 177.Căn cứ chấm dứt quyền sở hữu

“1-Khi chủ sở hữu uỷ quyền quản lý tài sản cho người khác, thì người được uỷ quyền thực hiện quyền chiếm hữu tài sản đó trong phạm vi, theo cách thức, thời hạn do chủsở hữu xác định.
2-Người được uỷ quyền quản lý tài sản không thể trở thành chủ sở hữu đối với tài sản được giao theo căn cứ về thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều 255 của Bộ luật này.”

Điều 192.Quyền chiếm hữu của người được chủ sở hữu uỷ quyền quản lý tài sản

“Việc chiếm hữu tài sản được thực hiện trong một khoảng thời gian mà không có tranh chấp về tài sản đó là chiếm hữu liên tục, kể cả khi tài sản được giao cho người khác chiếm hữu.”

Điều 196.Chiếm hữu liên tục

“Quyền định đoạt là quyền của chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu tài sản của mình cho người khác hoặc từ bỏ quyền sở hữu đó.Chủ sở hữu có quyền tự mình bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác đối với tài sản.”

Điều 201.Quyền định đoạt

II. Sự cần thiết phải công bố án lệ:

Theo quy định của Luật Đất đai năm 1987 (Điều 4 Luật Đất đai năm 1987), 1993 (Điều 5 Luật Đất đai năm 1993) thì “Nhà nước khuyến khích người sử dụng đất đầu tư lao động, vật tư, tiền vốn và áp dụng các thành tựu khoa học – kỹ thuật vào việc khai hoang, vỡ hoá, lấn biển, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, đất cồn cát ven biển để mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và làm muối.”

Khoản 1, khoản 4 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 quy định:

“1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định, được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận không có tranh chấp mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất:
a) Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất đai trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủn ghĩa Việt Nam;
b)Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính;
c) Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa gắn liền với đất;
d) Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, nay được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;
đ) Giấy tờ về thanh lý, hoá giá nhà ở gắn liền với đất ở theo quy định của pháp luật;
e) Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất.
4. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, nay được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.”

Như vậy, có thế thấy chính sách của Nhà nước đối với đất khai hoang qua các thời kỳ đều được thể hiện một cách nhất quán là nhà nước công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất khai hoang trong hạn mức nếu đất đó được sử dụng ổn định lâu dài, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt, không có tranh chấp. Trường hợp đất không có một trong các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Đất đai nêu trên nhưng đất đó vẫn đang sử dụng ổn định từ trước ngày 15-10-1993, được Ủy ban nhân dân xã, phường, thịtrấn xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, nếu đất có nguồn gốc do cá nhân khai phá nhưng sau đó họ đi định cư ở nước ngoài, không quản lý, sử dụng mà người khác đã quản lý, sử dụng đất ổn định lâu dài, đến nay, người khai phá đất quay về đòi lại đất thì người đang sử dụng đất có phải trả lại đất cho người khai phá không? Luật đất đai chưa quy định rõ tình huống này sẽ được giải quyết như thế nào nên dẫn đến những cách giải quyết khác nhau trong thực tiễn xét xử. Có Tòa án chấp nhận yêu cầu đòi lại quyền sử dụng đất của người khai phá đất; có Tòa án cho rằng người khai phá đất hiện không còn quyền sửdụng hợp pháp đối với diện tích đất mà họ đã khai phá nên không chấp nhận yêu cầu đòi lại quyền sử dụng đất của họ.

Để áp dụng thống nhất pháp luật và làm căn cứ để giải quyết các vụ việc có tình huống pháp lý tương tự về sau thì việc Tòa án nhân dân tối cao công bố Án lệ số 32/2020/AL về trường hợp đất do cá nhân khai phá nhưng sau đó xuất cảnh định cư ở nước ngoài và người khác đã quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài là hết sức cần thiết.

III. Nội dung Án lệ

Trong vụ việc tạo lập Án lệ số 32/2020/AL, thửa đất tranh chấp có nguồn gốc do vợ chồng cụ K là bố mẹ nguyên đơn khai phá từ năm 1958 và sử dụng đến khoảng những năm 1970 thì vợ chồng cụ K xuất cảnh, đi định cư ở nước ngoài. Trong quá trình sử dụng đất, gia đình cụ K chưa đăng ký, kê khai đối với diện tích đất này và không có một trong các loại giấy tờ theo quy định tại Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 (tương ứng với Điều 100 Luật Đất đai năm 2013). Sau khi gia đình cụ K đi định cư ở nước ngoài, cụ C1 là người quản lý, sử dụng đất, gia đình cụ đã tôn tạo đất, xây dựng nhà ở ổn định, đăng ký kê khai và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1997. Cụ C1 đã làm thủ tục tặng cho quyền sử dụng diện tích đất nêu trên cho ông N và ông N đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2009.

Nội dung Án lệ cũng đã chỉ ra việc người khai phá đất (cụ K) đã đi định cư ở nước ngoài, không trực tiếp sử dụng đất đã khai phá nữa nên không đủ điều kiện để được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất. Thực tế, việc cụ K khai phá đất nhưng không khai thác, quản lý tài sản để gia đình cụ C1 quản lý, sử dụng đất trong suốt một thời gian dài (từ những năm 1970), không có tranh chấp gì, gia đình cụ C1 cũng đã đăng ký kê khai và được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên có thể coi như gia đình cụ K đã từ bỏ quyền sử dụng đối với diện tích đất đã khai phá. Do đó, quyền sử dụng diện tích đất khai phá của họ cũng bị chấm dứt theo quy định tại khoản 2 Điều 177 Bộ luật Dân sựnăm 1995. Vì vậy, gia đình cụ K không còn quyền sử dụng đất hợp pháp đối với diện tích đất đã khai phá đó nữa nên không có quyền đòi lại quyền sử dụng đất.

Như vậy, có thể thấy, trong vụ việc tạo lập Án lệ số 32/2020/AL thì yếu tố cốt lõi để xác định người khai phá đất không còn quyền sử dụng hợp pháp đối với diện tích đất đã khai phá là người khai phá đất đã đi định cư ở nước ngoài, không trực tiếp quản lý, sử dụng diện tích đất đó; người sử dụng đất ở trong nước đã quản lý, sử dụng đất đó ổn định, lâu dài, đã tôn tạo đất, đăng ký kê khai và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nội dung án lệ này có ý nghĩa làm rõ quy định của pháp luật, có tính ứng dụng trong thực tiễn xét xử.

IV. Các tình huống tương tự có thể áp dụng Án lệ

3.1. Án lệ số 32/2020/AL đưa ra những tình huống pháp lý như sau:

  • Thứ nhất: Đất có nguồn gốc do cá nhân khai phá nhưng cá nhân đó đã xuất cảnh định cư ở nước ngoài;
  • Thứ hai: Người khác đã quản lý, sử dụng đất ổn định, lâu dài;
  • Thứ ba: Trong quá trình sử dụng đất, người này đã tôn tạo đất, đăng ký kê khai và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Khi có đủ các tình huống pháp lý nêu trên thì Tòa án phải xác định cá nhân khai phá đất không còn quyền sử dụng đất hợp pháp và không chấp nhận yêu cầu đòi lại quyền sử dụng đất của người khai phá đất.

Đối với tình huống pháp lý thứ nhất, tình tiết cá nhân khai phá đất “đã xuất cảnh định cư ở nước ngoài” là một yếu tố để xác định cá nhân đó không đủ điều kiện được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất. Theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 thì

“Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp lao động nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối được giao đất nông nghiệp trong hạn mức quy định tại Điều 70 của Luật này”;

Khoản 1 Điều 33 Luật Đất đai năm 2003

Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp:

“Đất trồng cây hàng năm không được sửdụng trong thời hạn mười hai tháng liền; đất trồng cây lâu năm không được sửdụng trong thời hạn mười tám tháng liền; đất trồng rừng không được sửdụngtrong thời hạn hai mươi bốn tháng liền.”

Khoản 11 Điều 38 Luật Đất đai năm 2003

Như vậy, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì không đủ điều kiện để được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, giao đất nông nghiệp. Do đó, nếu cá nhân khai phá đất nông nghiệp không “xuất cảnh định cư ở nước ngoài”mà bỏ đi khỏi địa phương đó, không quản lý, sử dụng đất đã khai phá trong thời gian dài và người khác đã quản lý, sử dụng đất ổn định, lâu dài; đã tôn tạo đất, đăng ký kê khai và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cũng có thể áp dụng án lệ này để xác định cá nhân khai phá đất nông nghiệp đó không còn quyền sử dụng đối với đất đã khai phá nữa.

3.2. Trong Án lệ số 32/2020/AL, gia đình cụ K khai phá đất từ năm 1958, đi định cư ở nước ngoài từ những năm 1970; gia đình cụ C1 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1997, ông N được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2009; tranh chấp phát sinh từ năm 2012 nên khi giải quyết vụ án phải áp dụng các quy định của Luật Đất đai năm 2003 (Khoản 2 Điều 10, khoản 1, khoản 4 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003), Bộ luật Dân sự năm 1995 (Khoản 1 Điều 164, Điều 176, khoản 2 Điều 177, các điều 192, 196, 201 Bộ luật Dân sự năm 1995) để đưa ra phán quyết và nội dung án lệ được hình thành trên cơ sở làm rõ các quy định của Luật Đất đai năm 2003, Bộ luật Dân sự năm 1995. Các quy định này trong Luật Đất đai năm 2013, Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015 không thay đổi về bản chất. Vì vậy, nếu tranh chấp thuộc phạm vi áp dụng của Luật Đất đai năm 2013 (Khoản 5 Điều 26, khoản 1, khoản 4 Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 (Khoản 1 Điều 155, Điều 170, khoản 2 Điều 171, các điều 185, 190, 195 Bộ luật Dân sự năm 2005), Bộ luật Dân sự năm 2005 (Khoản 1 Điều 155, Điều 170, khoản 2 Điều 171, các điều 185, 190, 195 Bộ luật Dân sự năm 2005), Bộ luật Dân sự năm 2015 (Khoản 1 Điều 150, Điều 221, khoản 2 Điều 237, các điều 187, 182, 192Bộ luật Dân sự năm 2015) nếu đáp ứng được đầy đủ 03 tình huống pháp lý nêu trên thì cũng có thể áp dụng Án lệ này để giải quyết.

“Theo Trang tin điện tử về án lệ Toà án nhân dân tối cao”


.
.
.
.
# # #