0931 79 92 92

Cây bật gốc đè chết người, trách nhiệm bồi thường thuộc về ai?

Cây bật gốc đè chết người, trách nhiệm bồi thường thuộc về ai?

Cây bật gốc đè chết người, trách nhiệm bồi thường thuộc về ai?

Những năm vừa qua, việc cây xanh bất ngờ gãy đổ khi trời giông bão gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người đi đường, thậm chí dẫn đến chết người đã không còn là chuyện hy hữu, đặc biệt trường hợp này thường xảy ra ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh,…

Vậy câu hỏi lớn đặt ra: “Liệu rằng người bị thiệt hại có được bồi thường và ai chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp cây xanh gãy đổ?

Nguyên Luật xin đưa ra ý kiến pháp lý về vấn đề trên cụ thể như sau:

  1. Cơ sở pháp lý: Bộ luật dân sự 2015

  2. Ý kiến pháp lý:

a/ Ai có trách nhiệm bồi thường?

  • Căn cứ quy định tại Điều 604, Bộ luật dân sự 2015 về bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.” Theo nguyên tắc bảo vệ tốt nhất sự an toàn cho người đi đường, cũng như cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân, Ban quản lý cây xanh hay các đơn vị được giao nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ phải có trách nhiệm chặt hạ, cắt tỉa hay di chuyển cây xanh đến nơi khác khi mùa mưa bão đến. Ngoài ra, chủ sở hữu, người chiếm hữu có trách nhiệm tự bảo quản, chăm sóc cây xanh của mình tránh gây thiệt hại không mong muốn đến người khác.
  • Nếu có thiệt hại xảy ra như cây gãy đổ, bật gốc, …mà do lỗi quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của các chủ thể nói trên, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người khác thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

b/ Cơ chế loại trừ trách nhiệm

  • Tuy nhiên, không phải bất cứ lúc nào người bị thiệt hại cũng đều được bồi thường. Pháp luật Việt Nam quy định tại khoản 2, Điều 584, Bộ luật dân sự 2015: “Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.

⇒ Có hai điều kiện để làm cơ sở loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại:

  • Sự kiện bất khả kháng:

         Quy định tại khoản 1, Điều 156, Bộ luật dân sự 2015: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước đượckhông thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

         Để xác định trường hợp cây xanh gãy đổ do mưa bão gây thiệt hại có phải là trường hợp bất khả kháng hay không, cần phải xác định xem cơ quan có trách nhiệm quản lý trông coi cây xanh đã áp dụng mọi biện pháp khắc phục phù hợp hay chưa (như có biện pháp cắt tỉa cây trước khi có dự báo mưa bão, chặt hạ những cây, cành cây có nguy cơ gãy đổ…) hay chủ sở hữu, người chiếm hữu đã thực sự có trách nhiệm trong việc khắc phục sự việc có thể xảy ra hay không. Nếu họ đã thực hiện các biện pháp khắc phục phù hợp nhưng vẫn có thiệt hại xảy ra thì có thể coi đó là sự kiện bất khả kháng.

  • Hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại

⇒ Tóm lại, hai điều kiện trên vừa là điều kiện cần và điều kiện đủ để làm căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại hay loại trừ trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại.

Chính vì thế, để đảm bảo tốt nhất cho sự an toàn bản thân mình và người xung quanh, khi có trời giông bão, mưa lớn nên hạn chế tốt nhất ra ngoài tránh hậu quả mà thật sự chính chúng ta không mong muốn, đồng thời mỗi cá nhân, tự thân là chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý cây cối phải luôn luôn có trách nhiệm bảo quản, chăm sóc cây xanh một cách tốt nhất, nếu có thiệt hại do cây cối của mình gây ra thì phải bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp đã phân tích ở trên.

Trên đây là ý kiến pháp lý của Nguyên Luật,

Trân trọng.

.
.
.
.
# # #