Quy định về phí và lệ phí đăng ký nhãn hiệu hiện nay
Pháp luật hiện nay không bắt buộc cá nhân, tổ chức phải đăng ký nhãn hiệu khi tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc đăng ký nhãn hiệu để được pháp luật bảo hộ cho nhãn hiệu đó sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho chủ sở hữu nhãn hiệu, đặc biệt là là về mặt nhận diện thương hiệu cho hàng hóa, dịch vụ đang sản xuất, kinh doanh từ đó tránh được sự giả mạo thương hiệu từ các đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Vậy đăng ký nhãn hiệu là gì? Đăng ký nhãn hiệu sẽ cần phải đóng những loại phí gì? Cụ thể là bao nhiêu? Nguyên Luật sẽ thông tin đến các bạn qua bài viết dưới đây.
Đăng ký nhãn hiệu là gì?
Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
Hiện nay, pháp luật không đưa ra khái niệm cụ thể đối với thuật ngữ “đăng ký nhãn hiệu”. Tuy nhiên, dựa vào các quy định hiện hành thì có thể hiểu rằng đăng ký nhãn hiệu là thủ tục hành chính do cá nhân, tổ chức có quyền đăng ký nhãn hiệu thực hiện tại Cục Sở hữu trí tuệ để được pháp luật bảo hộ nhãn hiệu đó thông qua việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Tại sao phải cần thiết đăng ký nhãn hiệu?
Như đã đề cập, pháp luật Việt Nam hiện nay không bắt buộc các cá nhân, tổ chức phải đăng ký nhãn hiệu khi thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc đăng ký để được bảo hộ nhãn hiệu sẽ đem lại lợi ích đáng kể. Nguyên Luật sẽ nêu ra một số lợi ích sau:
Thứ nhất, xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu
Chủ sở hữu nhãn hiệu là tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hoặc có nhãn hiệu đã đăng ký quốc tế được cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc có nhãn hiệu nổi tiếng. Khi đó chủ sở hữu sẽ được quyền sử dụng nhãn hiệu một cách hợp pháp như: gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh. Bán, chào bán, quảng cáo để bán, trưng bày để bán, tàng trữ để bán, vận chuyển hàng hóa mang nhãn hiệu được bảo hộ.
Thứ hai, bảo hộ khỏi sự xâm phạm nhãn hiệu của các cá nhân khác
Pháp luật về sở hữu hiện nay tiếp nhận đơn đăng ký nhãn hiệu và tiến hành cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu trên nguyên tắc nộp đơn đầu tiên. Và khi nhãn hiệu đó đã được cấp văn bằng bảo hộ thì các cá nhân, tổ chức khác sẽ không được đăng ký nhãn hiệu có tính trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đó.
Thứ ba, tăng độ nhận diện thương hiệu
Đăng ký nhãn hiệu sẽ góp phần công bố nhãn hiệu ra công chúng. Việc này giúp lượng lớn khách hàng có thể tiếp cận được với nhãn hiệu và nhận diện được hàng hóa, dịch vụ của nhãn hiệu đó. Từ đó, làm tăng tính nhận diện thương hiệu cho sản phẩm, dịch vụ mà chủ sở hữu đang sản xuất, kinh doanh.
Mức phí và lệ phí đăng ký nhãn hiệu hiện nay
Mức thu phí và lệ phí đăng ký nhãn hiệu hiện nay được quy định tại Thông tư 263/2016/TT-BTC. Theo đó, khi đăng ký nhãn hiệu, người nộp đơn cần đóng các loại phí và lệ phí sau:
- Lệ phí nộp đơn đăng ký nhãn hiệu: 150.000 đồng
- Lệ phí cấp văn bằng bảo hộ: 120.000 đồng (Đối với đơn có 1 sản phẩm/dịch vụ). Đối với đơn đăng ký nhãn hiệu có trên 1 sản phẩm/dịch vụ phải nộp thêm 100.000 đồng/1 sản phẩm/dịch vụ.
- Phí thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu: 550.000 đồng/1 sản phẩm/dịch vụ (Áp dụng cho đơn đăng ký nhãn hiệu có từ 1 đến 6 sản phẩm/dịch vụ). Từ sản phẩm dịch vụ thứ 7 trở đi thì nộp thêm 120.000 đồng/1 sản phẩm/dịch vụ.
- Phí tra cứu thẩm định nội dung: 180.000 đồng/1 sản phẩm/dịch vụ (Áp dụng cho đơn đăng ký nhãn hiệu có từ 1 đến 6 sản phẩm/dịch vụ). Từ sản phẩm dịch vụ thứ 7 trở đi thì nộp thêm 30.000 đồng/1 sản phẩm/dịch vụ.
- Phí công bố đơn: 120.000 đồng
- Phí đăng bạ: 120.000 đồng.
Hiệu lực của văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu
Tại khoản 6 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ có quy định về thời hạn có hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Theo đó:
Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm.
Để gia hạn hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, chủ văn bằng bảo hộ phải nộp phí, lệ phí để gia hạn hiệu lực.
Như vậy, Nguyên Luật đã thông tin đến bạn toàn bộ những quy định về phí và lệ phí khi thực hiện đăng ký nhãn hiệu mới nhất hiện nay và các quy định pháp luật liên quan khác về việc bảo hộ nhãn hiệu. Nếu các bạn có bất cứ thắc mắc nào khác liên quan đến thủ tục đăng ký nhãn hiệu hoặc có nhu cầu thực hiện toàn bộ thủ tục đăng ký nhãn hiệu, vui lòng liên hệ đến chúng tôi thông qua các thông tin bên dưới.
LIÊN HỆ NGUYÊN LUẬT
Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất. Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả!
- Hotline: 0931.79.92.92 (Luật sư Nguyễn Thành Trung)
- Email: luatsu@nguyenluat.com