So sánh quyền sở hữu quyền sở hữu bất động sản tại Việt Nam của người gốc Việt Nam định cư tại nước ngoài và người Việt Nam định cư tại nước ngoài
Quyền sở hữu bất động sản tại Việt Nam của người gốc Việt định cư ở nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài có những quy định pháp lý khác biệt. Hai nhóm này dù cùng mang yếu tố Việt kiều, nhưng được pháp luật Việt Nam quy định quyền sở hữu bất động sản khác nhau. Điều này tạo ra sự khác biệt trong việc tiếp cận và sử dụng tài sản tại Việt Nam. Bài viết này Nguyên Luật sẽ làm rõ những điểm tương đồng và khác biệt trong quy định pháp lý liên quan đến quyền sở hữu bất động sản của hai nhóm đối tượng này.
Người gốc Việt Nam định cư tại nước ngoài
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Luật Quốc tịch 2008, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
Người Việt Nam định cư tại nước ngoài
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định 138/2006/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành các quy định của Bộ luật dân sự về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì:
“Người Việt Nam định cư ở nước ngoài” là người có quốc tịch Việt Nam và người gốc Việt Nam đang cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
Và theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Luật cư trú 2008 thì điều này được khẳng định lại lần nữa.
“Người Việt Nam định cư ở nước ngoài” là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài
So sánh quyền của chủ thể nhận quyền sử dụng đất
Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài
Theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 28, Điều 41 Luật Đất Đai 2024 thì người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ có quyền sau đây:
- Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao;
- Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua, thuê mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở; nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà ở theo quy định của pháp luật về dân sự; nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở từ những người thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự;
- Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước giao đất để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê;
- Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, được Nhà nước cho thuê đất;
- Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được nhận quyền sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài thương mại Việt Nam; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật; văn bản về việc chia, tách quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật đối với nhóm người sử dụng đất mà có chung quyền sử dụng đất;
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Luật Đất Đai 2024, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam là người sử dụng đất tương tự với trường hợp của cá nhân trong nước.
Như vậy, người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ được áp dụng quy định về nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 28 Luật Đất Đai 2024 giống với trường hợp của cá nhân trong nước.
Tổng kết lại, có thể thấy rằng quyền sở hữu bất động sản tại Việt Nam của người gốc Việt và người Việt định cư nước ngoài có sự khác biệt rõ rệt về phạm vi và điều kiện. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thường được hưởng các quyền tương đương với người trong nước và ít bị hạn chế hơn. Trong khi đó, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài bị giới hạn về loại hình và số lượng bất động sản được phép sở hữu. Có thể thấy đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì đây là một sự ưu đãi hơn trong việc sở hữu bất động sản tại Việt Nam, giúp họ dễ dàng duy trì và phát triển mối liên kết với quê hương.