Được phép lập di chúc miệng trong trường hợp nào? Làm sao để xác định tính hợp pháp của hình thức di chúc này?
Câu hỏi:
Nguyên Luật cho tôi hỏi ba tôi năm nay đã hơn 70 tuổi nên muốn lập di chúc để chia di sản của mình lại cho con cái sau khi ông mất. Nhưng ba tôi chỉ biết đọc chứ không biết viết nên có thể lập di chúc miệng thay thế được không? Và cho tôi hỏi là di chúc miệng như thế nào mới được coi là hợp pháp? Đây là câu hỏi của chị Huyền đến từ Phú Yên.
Trả lời:
Đầu tiên, Nguyên Luật cảm ơn chị Huyền đã tin tưởng lựa chọn và đặt câu hỏi cho chúng tôi. Hy vọng phần trả lời dưới đây sẽ phần nào giải đáp được thắc mắc của chị.
Các hình thức của di chúc
Theo quy định tại Điều 627 Bộ Luật Dân sự 2015 thì có hai hình thức di chúc đó là:
- Di chúc bằng văn bản
- Di chúc miệng
Khi nào thì được lập di chúc miệng?
Điều 629 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định rằng: Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.
Tuy nhiên, sau thời gian 03 tháng kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
Trường hợp ba chị Huyền là chỉ là không biết viết chữ, còn lại sức khoẻ vẫn tốt nên chưa đủ điều kiện để lập di chúc miệng.
Tính hợp pháp của di chúc được xác định như thế nào?
Theo Điều 630 Bộ Luật Dân sự thì di chúc hợp pháp phải có các điều kiện sau đây:
- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép
- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
Di chúc không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp nếu đáp ứng được cả 2 điều kiện trên.
Ngoài ra, Luật còn đặt ra các điều kiện cụ thể về di chúc trong một số trường hợp đặc biệt. Theo đó:
- Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
- Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
- Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Người không biết viết chữ lập di chúc như thế nào?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 630 Bộ Luật Dân sự 2015 thì di chúc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
Trong đó, người làm chứng cho việc lập di chúc có thể là bất kỳ ai trừ những người sau đây:
- Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.
- Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.
- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Theo đó, tuy không đủ điều kiện lập di chúc miệng nhưng ba chị Huyền vẫn có thể lập di chúc bằng văn bản thông qua việc đọc cho người làm chứng viết nội dung di chúc theo ý chí của mình có sự xác nhận của công chứng viên để đảm bảo tính hợp pháp của di chúc.
Trên đây là phần giải đáp của Nguyên Luật thông tin đến chị Huyền. Mong rằng nội dung trên sẽ phần nào giải đáp được thắc mắc của chị. Nếu chị còn bất kỳ câu hỏi nào khác hoặc cần Luật sư hỗ trợ chị giải quyết vấn đề này vui lòng liên hệ đến Nguyên Luật qua thông tin bên dưới.
LIÊN HỆ NGUYÊN LUẬT
Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất. Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả!
- Hotline: 0931.79.92.92 (Luật sư Nguyễn Thành Trung)
- Email: luatsu@nguyenluat.com