Thỏa thuận giá trị tài sản chung khi ly hôn năm 2020
Thỏa thuận giá trị tài sản chung khi ly hôn năm 2020
Hỏi:
Xin chào Nguyên Luật!
Tôi và chồng tôi có sở hữu một căn nhà tại Khu Phố 3, Phường Linh Xuân, Quận Thủ Đức. Khi ly hôn, tôi tạm tính giá căn nhà trên là 2 tỷ và do không muốn nhận căn nhà nên yêu cầu chồng tôi hoàn lại cho tôi một nửa giá trị căn nhà trên. Xin hỏi yêu cầu như vậy có được tòa chấp nhận hay không? Và nếu được, thì mức án phí mà tôi phải đóng là bao nhiêu ?
Trên đây là thắc mắc của tôi. Mong được Luật sư giải đáp. Xin cảm ơn!
Trả lời:
Chào Quý khách hàng! Cảm ơn sự quan tâm của Quý khách hàng đối với dịch vụ pháp lý của Nguyên Luật. Chúng tôi cung cấp ý kiến pháp lý như sau:
Theo quy định tại Điều 104, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về Định giá tài sản, thẩm định giá tài sản:
“1. Đương sự có quyền cung cấp giá tài sản đang tranh chấp; thỏa thuận về giá tài sản đang tranh chấp.
- Các đương sự có quyền thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản để thực hiện việc thẩm định giá tài sản và cung cấp kết quả thẩm định giá cho Tòa án.
Việc thẩm định giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về thẩm định giá tài sản.
- Tòa án ra quyết định định giá tài sản và thành lập Hội đồng định giá khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự;
b) Các đương sự không thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản hoặc đưa ra giá tài sản khác nhau hoặc không thỏa thuận được giá tài sản;
c) Các bên thỏa thuận với nhau hoặc với tổ chức thẩm định giá tài sản theo mức giá thấp so với giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm định giá nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba hoặc có căn cứ cho thấy tổ chức thẩm định giá tài sản đã vi phạm pháp luật khi thẩm định giá.”
Do bạn không nói rõ là chồng bạn có đồng ý với việc đưa ra giá trị của căn nhà hay không nên chúng tôi sẽ chia làm 2 trường hợp như sau:
Trường hợp 1: Nếu 2 vợ chồng anh bạn tự thỏa thuận về giá của căn nhà là 2 tỷ với nhau hoặc thỏa thuận lựa chọn chọn tổ chức thẩm định giá tài sản để thực hiện việc thẩm định giá tài sản và cung cấp kết quả thẩm định giá cho Tòa án thì Tòa án sẽ dựa vào mức giá tài sản đó để thực hiện việc tính toán việc người chồng phải hoàn lại bao nhiêu tiền cho bạn và mức án phí mà bạn phải đóng.
Trường hợp 2: Toà án sẽ phải ra quyết định định giá (không phụ thuộc vào ý chí của các đương sự) khi thuộc các trường hợp sau:
– Có yêu cầu từ 1 hoặc các bên.
– Các đương sự không thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản.
– Các đương sự đưa ra các mức giá tài sản khác nhau.
– Các đương sự không thỏa thuận được giá tài sản.
– Các bên thỏa thuận với nhau hoặc với tổ chức thẩm định giá tài sản theo mức giá thấp so với giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm định giá nhằm trốn tránh nghĩa vụ với nhà nước hoặc với người thứ ba.
– Có căn cứ cho thấy tổ chức thẩm định giá tài sản đã vi phạm pháp luật khi thẩm định giá.
Quy trình thẩm định giá của sẽ bao gồm các bước sau:
Bước 1. Xác định tổng quát về tài sản cần thẩm định giá và xác định giá trị thị trường hoặc phi thị trường làm cơ sở thẩm định giá.
Xác định tổng quát về tài sản thẩm định giá và xác định giá trị thị trường hoặc giá trị phi thị trường làm cơ sở thẩm định giá, bao gồm:
a) Xác định các đặc điểm cơ bản về pháp lý, kinh tế – kỹ thuật của tài sản cần thẩm định giá
b) Xác định đối tượng sử dụng kết quả thẩm định giá
c) Xác định mục đích thẩm định giá và thời điểm thẩm định giá.
d) Xác định cơ sở giá trị của thẩm định giá.
e) Xác định giả thiết và giả thiết đặc biệt
Bước 2. Lập kế hoạch thẩm định giá.
a) Việc lập kế hoạch thẩm định giá nhằm xác định rõ phạm vi, nội dung công việc, tiến độ thực hiện từng nội dung công việc và tiến độ thực hiện của toàn bộ cuộc thẩm định giá.
b) Nội dung kế hoạch bao gồm:
– Xác định mục tiêu, yêu cầu, phạm vi và nội dung công việc.
– Xác định phương thức, cách thức tiến hành thẩm định giá.
– Xác định dữ liệu cần thiết cho cuộc thẩm định giá, các tài liệu cần thu thập về thị trường, tài sản thẩm định giá, tài sản so sánh.
– Xác định và phát triển các nguồn tài liệu, đảm bảo nguồn tài liệu đáng tin cậy và phải được kiểm chứng: Nghiên cứu hồ sơ, tài liệu về tài sản cần thẩm định giá.
– Xây dựng tiến độ thực hiện, xác định trình tự thu thập và phân tích dữ liệu, thời hạn cho phép của trình tự phải thực hiện.
– Xác định việc tổ chức thực hiện, phân bổ nguồn lực: Lập phương án phân công thẩm định viên và các cán bộ trợ giúp thực hiện yêu cầu thẩm định giá của khách hàng, đảm bảo việc áp dụng quy trình kiểm soát chất lượng hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp.
– Xác định nội dung công việc cần thuê chuyên gia tư vấn (nếu có).
Bước 3. Khảo sát thực tế, thu thập thông tin.
Bước 4. Phân tích thông tin.
Bước 5. Xác định giá trị tài sản cần thẩm định giá.
Bước 6. Lập báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá và gửi cho khách hàng, các bên liên quan.
Về nghĩa vụ chịu án phí được quy định tại Khoản 2 Điều 147 bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 như sau:
“2. Trường hợp các đương sự không tự xác định được phần tài sản của mình trong khối tài sản chung và có yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung đó thì mỗi đương sự phải chịu án phí sơ thẩm tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được hưởng.”
Trên đây là tư vấn của Nguyên Luật.
Trân trọng!
LIÊN HỆ NGUYÊN LUẬT
Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất. Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả!