0931 79 92 92

Điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh rượu tại Việt Nam

Điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh rượu tại Việt Nam

ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH RƯỢU TẠI VIỆT NAM

Như các bạn đã biết thì rượu là loại đồ uống có cồn rất được ưa chuộng sử dụng trong các buổi gặp gỡ, bữa tiệc hay nhiều nhất là trong dịp lễ Tết. Nhưng ít ai biết được để kinh doanh mặt hàng này sẽ cần có những điều kiện gì?

Thông qua bài viết này, Nguyên Luật sẽ giải đáp tất cả thắc mắc của các bạn, những người đang có ý tưởng kinh doanh rượu về điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh rượu trong năm 2024.

Cơ sở pháp lý:

– Luật phòng chống tác hại của rượu bia

– Nghị định 105/2017/NĐ-CP

– Nghị định 17/2020/NĐ-CP

– Nghị định 98/2020/NĐ-CP.

1. Kinh doanh rượu là gì?

Kinh doanh rượu bao gồm các hoạt động sản xuất, mua bán rượu bằng các hình thức khác nhau để tạo ra lợi nhuận.

2. Điều kiện chung để kinh doanh rượu tại Việt Nam

Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì rượu được chia làm 2 loại chủ yếu là rượu có độ cồn dưới 5,5 độ và rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên. Cụ thể:

+ Trường hợp kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ thì không bắt buộc phải có giấy phép kinh doanh rượu. Cá nhân, tổ chức chỉ cần đăng ký với Phòng kinh tế hoặc Phòng kinh tế và hạ tầng.

+ Trường hợp kinh doanh rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bắt buộc phải có các giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, tất cả các hình thức sản xuất, kinh doanh rượu bắt buộc phải đáp ứng điều kiện về an toàn thực phẩm và được cấp giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật.

Cơ sở pháp lý: Điều 31 Nghị định 17/2020/NĐ-CP.

2. Điều kiện để được cấp phép sản xuất rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên tại Việt Nam

Hiện nay, có 2 hình thức sản xuất rượu là sản xuất công nghiệp và sản xuất rượu thủ công bằng dụng cụ truyền thống.

2.1. Sản xuất rượu công nghiệp có độ cồn từ 5,5 độ trở lên

Sản xuất rượu công nghiệp là hoạt động sản xuất rượu bằng máy móc, thiết bị công nghiệp.

Sản xuất rượu công nghiệp

Để được cấp phép sản xuất rượu công nghiệp có độ cồn từ 5,5 độ trở lên, cơ sở cần đáp ứng các điều kiện sau:

(1) Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.

(2) Có dây chuyền máy móc, thiết bị công nghiệp, quy trình công nghệ sản xuất rượu đáp ứng quy mô dự kiến sản xuất.

(3) Bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

(4) Có nhân viên kỹ thuật có trình độ, chuyên môn phù hợp với ngành, nghề sản xuất rượu.

(5) Đáp ứng quy định về nghi nhãn hàng hoá rượu

Cơ sở pháp lý: Điều 15 Luật phòng chống tác hại rượu bia và Điều 8 Nghị định 105/2017/NĐ-CP.

2.2. Sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên

Sản xuất rượu thủ công là hoạt động sản xuất rượu bằng dụng cụ truyền thống, không sử dụng máy móc, thiết bị công nghiệp.

2.2.1. Sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên nhằm mục đích kinh doanh

Để được cấp phép sản xuất rượu thủ công từ 5,5 độ trở lên nhằm mục đích kinh doanh, cơ sở cần đáp ứng các điều kiện sau:

(1) Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.

(2) Bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm và ghi nhãn hàng hoá rượu theo quy định của pháp luật.

Cơ sở pháp lý: Điều 15 Luật phòng chống tác hại rượu bia và Điều 9 Nghị định 105/2017/NĐ-CP.

2.2.2. Hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại

Hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại phải đăng ký với Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đặt trụ sở và phải đáp ứng được các điều kiện sau đây:

(1) Có hợp đồng mua bán với cơ sở có giấy phép sản xuất rượu.

(2) Bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

Trường hợp không bán rượu cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công phải làm thủ tục cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh theo quy định.

Cơ sở pháp lý: Điều 15 Luật phòng chống tác hại của rượu bia; Điều 16 Nghị định 17/2020/NĐ-CP; Điều 10 Nghị định 105/2017/NĐ-CP.

Lưu ý: Các tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu sau khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rượu phải thực hiện công bố sản phẩm rượu, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại.

3. Điều kiện để được cấp phép thực hiện hoạt động mua bán rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên tại Việt Nam

Theo quy định tại khoản 4, Điều 15 Luật phòng chống tác hại của rượu bia thì để được cấp phép thực hiện các hoạt động kinh doanh rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên tại Việt Nam thì cơ sở cần đáp ứng các điều kiện sau:

(1) Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

(2)  Đáp ứng điều kiện theo từng loại hình mua bán rượu: Phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ.

3.1. Điều kiện phân phối rượu

Giấy phép phân phối rượu là giấy phép mà thương nhân được nhập khẩu rượu từ nước ngoài về Việt Nam. Khi được cấp chứng nhận này doanh nghiệp được phép bán rượu cho các thương nhân phân phối rượu, thương nhân bán buôn rượu, thương nhân bán lẻ rượu và thương nhân bán rượu tiêu dùng tại chỗ.

Để được cấp phép thực hiện hoạt động phân phối rượu thì cơ sở cần đáp ứng toàn bộ các điều kiện sau:

(1) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.

(2) Có hệ thống phân phối rượu trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên (đã bao gồm địa bàn doanh nghiệp đặt trụ sở chính); tại mỗi địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải có ít nhất 01 thương nhân bán buôn rượu. Trường hợp doanh nghiệp có thành lập chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh ngoài trụ sở chính để kinh doanh rượu thì không cần có xác nhận của thương nhân bán buôn rượu.

(3) Có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu khác hoặc nhà cung cấp rượu ở nước ngoài.

Cơ sở pháp lý: Điều 11 Nghị định 105/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 17/2020/NĐ-CP.

3.2. Điều kiện bán buôn rượu

Khi được cấp Giấy phép bán buôn rượu, doanh nghiệp được phép thực hiện hoạt động bán buôn rượu khác, thương nhân bán lẻ rượu trực tiếp cho người tiêu dùng.

Để được cấp phép thực hiện hoạt động bán buôn rượu thì cơ sở cần đáp ứng toàn bộ các điều kiện sau:

(1) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.

(2) Có hệ thống bán buôn rượu trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính với ít nhất 01 thương nhân bán lẻ rượu. Trường hợp doanh nghiệp có thành lập chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh ngoài trụ sở chính để kinh doanh rượu thì không cần có xác nhận của thương nhân bán lẻ rượu.

(3) Có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu hoặc thương nhân bán buôn rượu khác.

Cơ sở pháp lý: Điều 12 Nghị định 105/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 17/2020/NĐ-CP.

3.3. Điều kiện bán lẻ rượu

Khi được cấp giấy chứng nhận bán lẻ rượu, cơ sở được phép thực hiện hoạt động bán lẻ rượu trực tiếp cho người tiêu dùng cuối.

Để được cấp phép thực hiện hoạt động bán buôn rượu thì cơ sở cần đáp ứng toàn bộ các điều kiện sau:

(1) Là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.

(2) Có quyền sử dụng hợp pháp địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng.

(3) Có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu hoặc thương nhân bán buôn rượu.

Cơ sở pháp lý: Điều 13 Nghị định 105/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 17/2020/NĐ-CP.

3.4. Điều kiện bán rượu tiêu dùng tại chỗ

Khi được cấp giấy chứng nhận bán rượu tiêu dùng tại chỗ, cơ sở được phép thực hiện hoạt động bán lẻ rượu trực tiếp cho người tiêu dùng và người tiêu dùng có thể sử dụng trực tiếp tại địa chỉ kinh doanh rượu.

(1) Là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.

(2) Có quyền sử dụng hợp pháp địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng và có đăng ký bán rượu tiêu dùng tại chỗ với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện nơi thương nhân đặt cơ sở kinh doanh.

(3) Rượu tiêu dùng tại chỗ phải được cung cấp bởi thương nhân có Giấy phép sản xuất, phân phối, bán buôn hoặc bán lẻ rượu.

Trường hợp thương nhân tự sản xuất rượu để bán tiêu dùng tại chỗ thì phải có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp hoặc Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh.

Cơ sở pháp lý: Điều 14 Nghị định 105/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 17/2020/NĐ-CP.

4. Thẩm quyền cấp phép kinh doanh rượu

– Bộ Công Thương là cơ quan cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp có quy mô từ 03 triệu lít/năm trở lên và Giấy phép phân phối rượu.

– Sở Công Thương là cơ quan cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp có quy mô dưới 03 triệu lít/năm và Giấy phép bán buôn rượu trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

– Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện là cơ quan cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, Giấy phép bán lẻ rượu trên địa bàn.

Cơ sở pháp lý: Điều 25 Nghị định 105/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 17/2020/NĐ-CP.

5. Hậu quả pháp lý khi kinh doanh rượu mà không có giấy phép tương ứng

Đối với hành vi thực hiện hoạt động kinh doanh rượu, mà doanh nghiệp không có giấy chứng nhận đã đủ điều kiện thực hiện hoạt động kinh doanh với hình thức tương ứng thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Cụ thể:

Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không có giấy phép kinh doanh theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Ngoài ra, đối với doanh nghiệp thực hiện hoạt động sản xuất rượu công nghiệp, kinh doanh phân phối và bán buôn rượu sẽ bị xử phạt gấp đôi so với mức phạt trên.

Đặc biệt: Đối với hành vi vi phạm về đăng ký bán rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ, kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ và sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại sẽ bị xử phạt như sau:

– Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại mà không đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đặt cơ sở sản xuất.

– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi bán rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ hoặc kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ mà không đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện theo quy định.

Cơ sở pháp lý: Điều 6 và Điều 25 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.

Như vậy, Nguyên Luật đã thông tin đến bạn toàn bộ các thông tin quy định về điều kiện để được cấp phép kinh doanh rượu tại Việt Nam theo quy định hiện nay. Nếu quý Khách hàng có bất cứ thắc mắc nào hoặc cần tư vấn, thực hiện toàn bộ các thủ tục đăng ký cấp phép kinh doanh rượu tại Việt Nam, vui lòng liên hệ đến chúng tôi thông qua các thông tin bên dưới.

LIÊN HỆ NGUYÊN LUẬT

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất. Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả!

 Hotline: 0931.79.92.92 (Luật sư Nguyễn Thành Trung)

 Email: luatsu@nguyenluat.vn

.
.
.
.
# # #